Động Đạt nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả

Vũ Công 07:48, 11/04/2023

Thời gian qua, nhiều hội viên nông dân ở xã Động Đạt (Phú Lương) đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Qua đó góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao thu nhập...

Hiện nay, với mỗi kg rắn thương phẩm, người chăn nuôi ở xã Động Đạt bán được với giá 500 nghìn đồng, thu lãi trên 200 nghìn đồng.
Hiện nay, với mỗi kg rắn thương phẩm, người chăn nuôi ở xã Động Đạt bán được với giá 500 nghìn đồng, thu lãi trên 200 nghìn đồng.

Trước đây, gia đình bà Tô Thị Sỹ, ở xóm Làng Ngòi, chỉ nuôi 1-2 con trâu để cày bừa và kéo gỗ. Tuy nhiên, những năm gần đây, do máy móc đã thay thế cho sức kéo nên bà Sỹ chuyển sang nuôi trâu theo hướng sinh sản.

Hiện nay, trong chuồng nhà bà Sỹ có 6 con trâu sinh sản và 6 con nghé được gần 2 năm tuổi. Trung bình mỗi năm, gia đình bán ra thị trường 5-6 con nghé, sau khi trừ chi phí, bà thu về trên 100 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình bà có điều kiện để nuôi 4 con ăn học trưởng thành. Bà Sỹ cho hay: Tôi nuôi trâu theo hình thức bán chăn thả. Tôi trồng 2 sào cỏ voi, đồng thời thu gom rơm, rạ sau khi thu hoạch mùa vụ để làm thức ăn cho đàn trâu trong mùa Đông.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình của gia đình bà Sỹ, nhiều hộ dân trong xóm cũng đầu tư chăn nuôi trâu theo hướng sinh sản. Hiện, cả xóm Làng Ngòi có 30 hộ chăn nuôi trâu, với tổng đàn gần 100 con. Nhà nào nuôi ít cũng có 2 con trâu, hộ nhiều thì nuôi tới 20 con.

Ông Hoàng Văn Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Làng Ngòi, chia sẻ: Diện tích đất tự nhiên của xóm rộng, với trên 135ha, là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc. Do đó, trong những năm qua, nhiều hội viên nông dân trong xóm đã đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản. Năm 2022, có 10 hội viên trong Chi hội được vay 400 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân để tăng số lượng đàn trâu của gia đình. Việc phát triển chăn nuôi trâu sinh sản đã giúp không ít gia đình hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đến nay, Chi hội Làng Ngòi chỉ còn 2/88 hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Hội Nông dân xã Động Đạt đang tích cực tuyên truyền, vận động để nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế.

Một số mô hình kinh tế khác cũng đang được áp dụng rộng rãi ở xã Động Đạt là nuôi rắn và nuôi ong lấy mật. Nếu như thời điểm trước năm 2016, trên địa bàn xã chỉ có duy nhất gia đình anh Bạch Thanh Tùng, Trưởng xóm Làng Mạ, nuôi rắn hổ mang bành và nuôi ong lấy mật theo hướng hàng hóa thì hiện nay, ở Động Đạt đã có 15 hộ nuôi rắn hổ mang với tổng số lượng 7.000 con và 12 hộ nuôi ong.

Anh Tùng nói: Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp nguồn giống tốt, nguồn thức ăn ban đầu cho bà con. Cùng với đó, tôi còn có trách nhiệm tìm kiếm thị trường, bao tiêu toàn rắn giống, rắn thương phẩm, trứng rắn cho các hộ nuôi.

Bên cạnh những mô hình trên, trên địa bàn xã còn có các mô hình như: trồng đào cảnh ở xóm Làng Chảo; chăn nuôi gia súc lớn ở xóm Đồng Chằm... đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để có được kết quả trên, có sự đóng góp không nhỏ của các cấp Hội Nông dân. Thông qua các hoạt động thiết thực, Hội đã thực sự trở thành cầu nối trong tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đa dạng hóa các mô hình sản xuất, phát huy lợi thế của địa phương và nâng cao thu nhập.

Ông Nông Vĩnh Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Động Đạt, cho biết: Để giúp hội viên mạnh dạn áp dụng các mô hình kinh tế mới, chúng tôi không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà còn tích cực hỗ trợ bà con về vốn, giống, tập huấn kỹ thuật; tổ chức tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm ở một số địa phương khác... Hội Nông dân xã cũng thành lập 5 chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp để bà con cùng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay, trong xã chỉ còn 25/1.213 hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Hàng năm có trên 60% số hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi...