Lời giải cho “bài toán” kinh tế du lịch

Cao Nguyên 10:50, 27/09/2023

Tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để “đánh thức” tiềm năng kinh tế du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch Thái Nguyên và tạo điểm nhấn thu hút du khách... Đó là những định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới của Thái Nguyên.

Điểm du lịch cộng đồng tại xã Phú Đình (Định Hóa) thu hút nhiều du khách.
Điểm du lịch cộng đồng tại xã Phú Đình (Định Hóa) thu hút nhiều du khách.

Thái Nguyên có vị trí địa lý quan trọng, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Bắc Kạn. Từ Thái Nguyên, du khách có thể lên các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc hoặc về Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi.

Bằng nhiều nỗ lực, tỉnh đã từng bước hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách trong nước và quốc tế.

Một thuận lợi cho du lịch của tỉnh phát triển là Quy hoạch du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã được triển khai. Với chủ trương hạ tầng giao thông đi trước một bước, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực cho thực hiện các dự án giao thông phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch.

Nổi bật có Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; Dự án đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ km31 QL.3 đến Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa - Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn hàng nghìn tỷ đồng được tỉnh quan tâm, trong đó có Dự án du lịch, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc; Dự án du lịch, nghỉ dưỡng tại sườn Đông Tam Đảo (TP. Phổ Yên và Huyện Đại Từ); Dự án Trường đua ngựa, Tổ hợp thương mại dịch vụ Núi Văn - Núi Võ (Đại Từ); Dự án Khu du lịch cộng đồng, sinh thái, thương mại dịch vụ xã Phú Đình (Định Hoá); Dự án Tổ hợp du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng xã Quy Kỳ (Định Hoá); Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng kết hợp khu nhà ở sinh thái và dịch vụ hỗn hợp Phượng Hoàng (Võ Nhai); Dự án Vùng bảo tồn kết hợp du lịch sinh thái và trải nghiệm dưới tán rừng (Định Hoá); Dự án Khu du lịch sinh thái Bảo Linh (Định Hoá); Dự án Khu đô thị sinh thái hồ Trại Gạo (Phú Bình)…

Trong xây dựng các sản phẩm du lịch, Thái Nguyên đã gắn các sản phẩm với văn hóa trà. Ví như du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn cơ bản được gắn kết với những vùng chè trù phú.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận. Mới đây là Điểm du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai); xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) và Điểm du lịch cộng động xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ), được tỉnh công nhận.

Dự án “Nghiên cứu xây dựng mô hình trải nghiệm văn hóa trà, xây dựng tour du lịch trải nghiệm cộng đồng tại Hợp tác xã Đồng Tâm (xã Tức Tranh, Phú Lương) đang được triển khai, đưa vào khai thác tuyến du lịch cộng đồng, nông nghiệp - nông thôn.

Sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai) hướng về phát triển du lịch, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và phát triển kinh tế xã hội đang trở thành hiện thực.

Tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh từng bước được khai thác phục vụ du khách, tập trung chủ yếu tại các Điểm di tích Lý Nam Đế (TP. Phổ Yên); Khu di tích quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (TP. Thái Nguyên); đền Đuổm (Phú Lương); Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa; Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc…

Đoàn Famtrip khảo sát điểm đến do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tổ chức chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch tại Hợp tác xã Chè La Bằng (Đại Từ).
Đoàn Famtrip khảo sát điểm đến do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tổ chức chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch tại Hợp tác xã Chè La Bằng (Đại Từ).

Tỉnh cũng quan tâm mời chào các doanh nhân đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo). Hiện ở các xã phía Tây TP. Thái Nguyên đã hình thành một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí như Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, một điểm đến được tổ chức Du lịch thế giới trao Giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022”; Phú Lương có “Thung lũng tình yêu” tại xóm Đồng Xiền, xã yên Lạc; “Ngự hoa viên ở xã Động Đạt.

Đặc biệt là sản phẩm du lịch thể thao, khám phá hang động với một số điểm đã đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch như: Hang Phượng Hoàng (Võ Nhai), hang Chùa Hang (Định Hóa)…

Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ ngành Du lịch, Thái Nguyên chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẩm định, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế cho 3 trường hợp, thẻ hướng dẫn viên du lịch cho 15 trường hợp.

Đặc biệt, tỉnh quan tâm phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Đến nay, hệ thống Cổng du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên đã được tích hợp trên C-Thái Nguyên bao gồm: Website (mythainguyen.vn), ứng dụng (Thai Nguyen Tourism). Đồng thời đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch; tổ chức các chương trình văn hóa, thể thao, du lịch và tham gia các chương trình quảng bá du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, khu vực.

Nhiều phương án, giải pháp được đưa ra, nhưng hành trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng luôn cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự đồng thuận, liên kết, hợp tác giữa các doanh nhân làm du lịch.