Khoảng 3 năm trở lại đây, người dân xã Tân Thành (Phú Bình) đã khai thác thế mạnh đồi rừng để nuôi ong lấy mật. Nghề nuôi ong lấy mật đã giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Các thành viên Tổ hội nghề nghiệp nuôi ong xã Tân Thành chia sẻ kinh nghiệm sản xuất mật. |
Trở lại Tân Thành vào một ngày cuối tháng 9, chúng tôi nhận thấy, so với hình ảnh những quả đồi trọc nối tiếp nhau như cách đây chừng 10 năm, xã miền núi này đã có nhiều đổi khác. Tân Thành giờ đây được “phủ” bởi những cánh rừng keo, bạch đàn xanh tốt. Dưới tán rừng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, đặc biệt là nghề mới - nuôi ong lấy mật.
Ông Hoàng Văn Dùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, thông tin: Trước đây, bà con trong xã nuôi ong lấy mật mang tính tự phát. Hộ nuôi ít có 5-7 đàn, hộ nhiều lên đến 50 đàn. Khoảng 3 năm trở lại đây, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân tận dụng lợi thế đồi rừng để phát triển đàn ong. Cùng với đó, xã thành lập Tổ hội nghề nghiệp (THNN) nuôi ong mật; phối hợp với một số cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong lấy mật để bà con nắm được kiến thức và áp dụng vào chăm sóc đàn ong của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Bảo, Tổ trưởng THNN nuôi ong xã Tân Thành, cho biết: Được thành lập năm 2021, từ 6 thành viên ban đầu, đến nay, Tổ hội đã có 11 thành viên, tập trung ở các xóm Hoà Lâm, Suối Lửa, Đồng Bầu… Tổng đàn ong của Tổ hội là trên 300 đàn, tăng gấp đôi so với ngày đầu thành lập. Trung bình mỗi năm, THNN nuôi ong xã Tân Thành sản xuất được khoảng 3.000 lít mật ong. Riêng gia đình tôi, tận dụng 5ha rừng hiện có, tôi nuôi 60 đàn ong, sản xuất 600 lít mật/năm. Với giá bán hiện tại khoảng 150 nghìn đồng/lít, tôi có thêm thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Cũng theo chia sẻ của ông Bảo, đầu tư nuôi ong mật không tốn nhiều chi phí. Trong quá trình nuôi chỉ cần chú ý bệnh thối ấu trùng để có biện pháp xử lý kịp thời; giữ đàn vào những tháng không khai thác mật (từ tháng 6 đến hết tháng 2 Âm lịch năm sau); chăm sóc đàn ong khi thiếu phấn hoa…
Từ khi THNN nuôi ong xã Tân Thành được thành lập, các thành viên không chỉ chia sẻ với nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ong lấy mật mà còn hỗ trợ nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Ông Vi Văn Bắc, ở xóm Đồng Bầu, cho hay: Gia đình tôi hiện có 5ha rừng. Trước đây, khi chưa nhận thấy được hiệu quả kinh tế từ việc nuôi ong lấy mật, tôi chỉ nuôi 10 đàn, chủ yếu là bán cho người quen. Nhưng nay, tận dụng diện tích rừng, tôi đã nhân lên 20 đàn. Khi tham gia vào THNN nuôi ong của xã, tôi được các thành viên chia sẻ thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc để ong cho nhiều mật hơn. Cùng với đó, gia đình tôi được các thành viên hỗ trợ tiêu thụ mật ong. Nhờ đó, lượng mật bán ra cũng nhiều hơn trước.
Theo các thành viên THNN nuôi ong xã Tân Thành, diện tích để nuôi ong còn rất lớn (toàn xã có khoảng 1.500ha rừng - P.V), trong khi việc nhân rộng đàn ong không hề khó. Theo tính toán, Tân Thành có thể nhân đàn lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần hiện tại. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ mặt hàng mật ong hiện nay chưa ổn định; sản phẩm làm ra chưa khẳng định được thương hiệu; chưa có tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ… nên chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ.
Chính vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, khuyến khích người dân tích cực trồng rừng, khai thác gỗ để tăng thu nhập, thời gian tới, xã Tân Thành sẽ đẩy mạnh vận động những người có cùng sở thích nuôi ong mật tham gia THNN nuôi ong của địa phương. Đồng thời đề nghị Hội Nông dân huyện Phú Bình phối hợp hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm ong mật xã Tân Thành… Từ đó tạo điều kiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quảng bá rộng rãi hơn trên thị trường trong và ngoài huyện, tạo tiền đề thành lập hợp tác xã nuôi ong mật tại địa phương. Cùng với đó, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin