Bài 2: Nông nghiệp xanh ở thành phố công nghiệp
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở TP. Sông Công ngày càng thu hẹp để ưu tiên cho phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Với phần diện tích còn lại, thành phố đã và đang ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Hàng chục héc-ta đất nông nghiệp ở xã Tân Quang (TP. Sông Công) đã được thu hồi phục vụ xây dựng các khu công nghiệp. Do đó diện tích đất nông nghiệp của địa phương bị thu hẹp. |
Thay đổi tư duy sản xuất
Chỉ chiếm 5% cơ cấu kinh tế, nhưng sản xuất nông nghiệp ở TP. Sông Công đã góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của thành phố đạt trên 827 tỷ đồng, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 124 triệu đồng/năm. Mức tăng trưởng bình quân trong lĩnh vực này của thành phố thời gian qua đạt từ 3% trở lên/năm.
Được quy hoạch là một đô thị công nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất nông nghiệp ở TP. Sông Công đối mặt với nhiều khó khăn, như: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp phần nhiều là xen kẹp; nhiều khu vực được quy hoạch và thu hồi để thực hiện các dự án xây dựng khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư. Do vậy, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, xu hướng lao động nông thôn thoát ly nông nghiệp, đi làm tại các doanh nghiệp đang gia tăng, dẫn đến thiếu nguồn lao động có trình độ, lao động trẻ tham gia trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND TP. Sông Công, nhận định: Những vấn đề trên vừa là khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để thành phố ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công: Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh tại bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và các trường học là rất lớn. Đây là động lực để các tổ hợp tác, HTX chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế... |
Nhờ những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của người dân, đến nay, TP. Sông Công đã hình thành các cánh đồng một giống, vùng sản xuất tập trung.
Cụ thể, tại xã Bá Xuyên, phường Lương Sơn, phường Châu Sơn hình thành vùng sản xuất lúa (giống Đài Thơm) tập trung, với chuỗi liên kết từ khâu cung cấp giống, phân bón, thu hoạch, chế biến. Từ đó tạo thành sản phẩm hàng hóa theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu sản phẩm gạo Đài thơm 8 của thành phố đạt OCOP 3 sao trở lên trong năm 2023.
Đáng nói, toàn bộ diện tích chè của TP. Sông Công được thay thế bằng giống mới, cho năng suất cao (như: TRI 777, LDP1...). Bà con ở vùng sản xuất chè tập trung xóm Khe Lim, xã Bình Sơn, được hỗ trợ hệ thống tưới nước tiết kiệm; máy sao chè bằng gas, điện chủ động điều khiển được nhiệt độ trong quá trình chế biến. Các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) được hỗ trợ mua máy móc phục vụ quy trình đóng gói sản phẩm và kho lạnh để bảo quản chè. Hiện nay, nhiều HTX tại TP. Sông Công đã có các sản phẩm trà đạt OCOP 3 sao, 4 sao...
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, cán bộ Phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã có các mô hình được đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao, như mô hình trồng dưa vân trong nhà lưới (xã Bá Xuyên); trồng dưa chuột Baby, trồng hoa công nghệ cao (phường Lương Sơn)... Các mô hình này cho thu nhập gấp trên 20 lần so với cấy lúa.
Ứng dụng công nghệ cao tại HTX Chăn nuôi Xanh
Được thành lập từ tháng 7/2017, HTX Chăn nuôi Xanh, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công) là một mô hình khép kín chuỗi chăn nuôi lợn, gà theo hướng an toàn sinh học và trồng các loại rau, dưa chất lượng cao trong nhà lưới.
HTX Chăn nuôi Xanh chủ động xử lý toàn bộ chất thải trong chăn nuôi để phục vụ trồng trọt, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng thu nhập. |
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX Chăn nuôi Xanh, chia sẻ: HTX đã xây dựng được mô hình trang trại chăn nuôi khép kín, từ sản xuất con giống đến lò mổ gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Với 9 thành viên và hơn 20 hộ liên kết, mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường hơn 1.000 con lợn và trên 6.000 con gà thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Tại HTX Chăn nuôi Xanh, các chuồng nuôi đều có hệ thống vòi uống nước tự động cho vật nuôi, máng cám inox chất lượng cao, hệ thống quạt máy, điều hòa không khí và có thảm sinh học. HTX cũng có hệ thống giàn phun sương sát khuẩn được trang bị từ cửa ra vào đến khu chăn nuôi, giúp hạn chế dịch bệnh. Trang trại có khu xử lý chất thải riêng, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, HTX Chăn nuôi Xanh đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đầu tư các loại máy móc chế biến thức ăn, như: máy băm rau, xay ngô - cám, trộn thức ăn…
Ông Vũ Tuấn Giang, Phó Chủ tịch UBND phường Lương Sơn: Cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại của HTX Chăn nuôi Xanh đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh, hiện đại... |
Ngoài ra, phương pháp phối trộn thức ăn, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có (cám gạo, ngô, khoai, sắn, rau xanh... do các thành viên HTX tự trồng) không chỉ giảm đáng kể chi phí sản xuất, mà còn giúp HTX quản lý được nguồn gốc nguyên liệu.
Hiện nay, HTX Chăn nuôi Xanh đã xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại các phường Thắng Lợi và Lương Sơn. Nhờ đó, sản phẩm bán ra có giá cao hơn khoảng 10% so với giá bán thịt lợn thông thường.
Từ năm 2021, HTX Chăn nuôi Xanh đầu tư 600 triệu đồng làm 1.500m2 nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng các loại rau xanh, dưa chuột Baby, dưa chuột bao tử, dưa lưới... Mỗi năm, HTX thu hoạch trên 10 tấn rau quả, với giá bán bình quân từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg.
Ông Ngữ nói thêm: Với phương châm “sản xuất xanh”, chúng tôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong tất cả các khâu: Chọn mua giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; sử dụng thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. HTX cũng chủ động xử lý toàn bộ chất thải trong chăn nuôi để phục vụ trồng trọt, qua đó không chỉ tiết kiệm được 50 triệu đồng mua phân bón mỗi năm mà còn không tốn chi phí vận chuyển...
(Còn tiếp...)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin