Xóm Phú Hội, xã Sơn Phú, là một trong những nơi đầu tiên của huyện Định Hóa thực hiện chuyển đổi diện tích chè giống cũ sang các loại chè lai cho năng suất, chất lượng cao hơn. Cây chè đã giúp hàng trăm hộ dân ở Phú Hội có thu nhập ổn định, vươn lên phát triển kinh tế.
Người dân xóm Phú Hội, xã Sơn Phú, thu hái chè. |
Đi trên con đường bê tông phẳng phiu vào tận trung tâm xóm, men theo những vạt chè xanh tốt, ông Vũ Văn Đắc, Trưởng xóm Phú Hội, chia sẻ: Năm 2019, hai xóm Phú Hội 1 và Phú Hội 2 được sáp nhập và lấy tên là Phú Hội. Xóm hiện có 79 hộ, với gần 290 nhân khẩu. Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, từ nhiều năm nay, người dân trong xóm đã chọn cây chè để phát triển kinh tế. Đến nay, 100% hộ dân trong xóm đều có nguồn thu nhập từ cây chè, với tổng diện tích khoảng 25ha.
Theo lời các cụ cao niên trong xóm, cây chè đã được trồng trên đất Phú Hội từ lâu. Tuy nhiên, do trước đây các hộ chủ yếu trồng giống chè trung du, theo thời gian, cây chè già cỗi nên năng suất thấp. Vì vậy thị trường không ưa chuộng, hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Từ khoảng năm 2010, các hộ dân ở Phú Hội bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng các giống chè lai cho năng suất, chất lượng cao như: LDP1, PH1, TRI777… Cùng với đó, hàng chục hộ dân trong xóm được huyện Định Hoá hỗ trợ chè giống khi chuyển đổi hoặc trồng mới chè cành (100% giá giống cho hộ nghèo và cận nghèo; 50% giá giống cho các hộ không thuộc diện chính sách). Kết quả, các giống chè cành hiện chiếm 95% diện tích chè của xóm Phú Hội.
Gia đình ông Ngô Xuân Tám là một trong những hộ ở xóm Phú Hội tiên phong chuyển đổi sang trồng chè cành từ năm 2010. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ khá giả.
Ông Tám chia sẻ: Với khoảng 1ha chè, gia đình tôi thu hoạch trên 18 tạ chè búp tươi/lứa, tương đương 3 tạ chè khô. Hiện nay, chè búp khô của gia đình có giá khoảng 150-250 nghìn đồng/kg, thu nhập từ mỗi lứa chè khoảng 60 triệu đồng. Nhờ cây chè, gia đình tôi có nguồn thu ổn định, đời sống ngày càng được cải thiện.
Với việc sản lượng và chất lượng chè ngày càng được nâng cao, năm 2019, 11 hộ dân trong xóm đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Phú Hội. HTX ra đời nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm chè và từng bước xây dựng thương hiệu chè Phú Hội. Đến nay, sau khoảng 4 năm hoạt động, các sản phẩm chè của HTX đã được bán ở hơn 10 tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2023, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hội phấn đấu có 1 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP cấp tỉnh.
Ông Đặng Ngọc Hà, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hội, cho biết: Chúng tôi đã có khoảng 10ha chè được trồng theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, HTX còn có 2ha chè được trồng theo hướng hữu cơ, dựa trên cơ sở diện tích chè VietGAP được trồng trước đó. Hiện nay, giá thành chè búp khô của HTX dao động từ 200 đến 250 nghìn đồng/kg, còn đối với chè được trồng theo hướng hữu cơ có giá 450-500 nghìn đồng/kg.
Nhờ cây chè, đời sống của bà con ở Phú Hội được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Xóm hiện chỉ còn 4 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo, không còn nhà dột nát.
Từ việc ổn định kinh tế, nhân dân trong xóm hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tuyến đường trục xóm dài hơn 2km được nhân dân hiến trên 2.000m² đất, đóng góp hàng trăm ngày công lao động và đối ứng trên 300 triệu đồng để mở rộng lên 4,5m. Bên cạnh đó, bà con còn đối ứng trên 200 triệu đồng xây mới nhà văn hóa và hàng trăm triệu đồng để hoàn thiện đường nội đồng, kênh mương, hệ thống thoát nước… Bức tranh nông thôn mới khởi sắc đã hiện hữu ở một vùng quê đi lên từ cây chè.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin