Hằng năm, một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP. Sông Công được thải ra nhưng chưa được sử dụng hợp lý và hiệu quả. Từ thực tế này, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tái sử dụng nguồn tài nguyên trên, nhằm giảm chi phí đầu vào, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Luyến ở phường Phố Cò sử dụng nguồn nguyên liệu như cám, ngô, đậu tương, bã cá khô… nghiền nhỏ rồi ủ với men vi sinh làm thức ăn cho lợn. |
Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nhiều hộ dân ở xã Bình Sơn thường đốt rơm rạ tại ruộng. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, khuyến cáo việc đốt rơm rạ trực tiếp sẽ làm mất đi một lượng lớn nước trong đất do bốc hơi, đất dần bị chai cứng, khô cằn, bà con đã sử dụng một số chế phẩm sinh học phun đều trên ruộng làm phân hủy rơm, rạ hoặc chủ động thu gom mang về nhà phục vụ chăn nuôi, trồng trọt…
Bà Nguyễn Thị Mẫn, người dân xóm Lát Đá, xã Bình Sơn, chia sẻ: Hai năm gần đây, toàn bộ phần rơm, rạ của 5 sào lúa, tôi đều mang về nhà để làm thức ăn cho trâu, bò và đậy vào gốc cây ăn quả, rau màu nhằm giữ ẩm, hạn chế cỏ mọc. Thông qua các buổi tập huấn do xã tổ chức, tôi đã biết cách ủ phân chuồng với rơm, rạ để mục làm phân bón hữu cơ.
Theo bà Nghiêm Thị Bình, Phó Phòng Kinh tế TP. Sông Công, lượng phụ phẩm nông nghiệp hằng năm của địa phương khá lớn, song mới chỉ có khoảng 30% (rơm, rạ; lá, thân, bẹ ngô, cám…) được tái sử dụng, còn lại là bỏ không hoặc sử dụng vào mục đích khác rất lãng phí.
Theo ước tính, 1ha lúa sau thu hoạch có hơn 6 tấn rơm, rạ, nếu đem ủ và sản xuất sẽ thu được 3-4 tấn phân bón hữu cơ. Như vậy, việc tận dụng và tái chế nguồn phụ phẩm dư thừa này sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Người dân xóm Khe Lim, xã Bình Sơn, sử dụng phân bón hữu cơ để chăm sóc chè nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm. |
Từ thực tế trên, thời gian qua TP. Sông Công đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tận dụng rơm, rạ, rau, củ, quả hư hỏng, dư thừa ủ làm phân bón hữu cơ; tái sử dụng chất thải để làm khí đốt hoặc phục vụ trồng trọt.
Cơ quan chuyên môn của thành phố cũng hướng dẫn bà con kỹ thuật, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, hướng tới sản xuất không chất thải, không phế phẩm.
Nhờ đó đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn đã tự làm phân bón, thuốc diệt côn trùng từ các phụ phẩm nông nghiệp cũng như các nguyên liệu từ thiên nhiên để chăm sóc rau màu, chè.
Toàn thành phố cũng đã xây dựng được trên 500 bể biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi để làm khí đốt; trên 90% trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn, hữu cơ...
Việc sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP. Sông Công thời gian qua không chỉ góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, mà còn thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Đến nay, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của thành phố đạt trên 120 triệu đồng/năm; có 13 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP; trên 70ha chè, 40ha cây ăn quả, 5 trang trại lợn, 7 trang trại gà được chứng nhận VietGAP…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin