Trong sự phát triển của kinh tế hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh có đóng góp không nhỏ của các nữ lao động. Đặc biệt, có nhiều HTX do phụ nữ quản lý đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt. |
Được thành lập năm 2019, HTX bò Mông số 11, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp với ngành nghề chính là chăn nuôi bò, lợn đen, gà… HTX đang tạo việc làm cho 8 thành viên chính thức và 40 thành viên liên kết, trong đó trên 80% là nữ, với mức thu nhập từ 2-7 triệu đồng/người/tháng.
Ở một xã vùng núi có 2/3 dân số là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao thì việc HTX bò Mông số 11 được thành lập đã góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm tại chỗ và tạo thu nhập cho bà con.
Chị Nguyễn Thị Lý, thành viên HTX, chia sẻ: Nhà tôi ở xóm Văn Lăng, cách HTX khoảng 8km, đường đi lại khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh nuôi 2 con ăn học của tôi, chị Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX, đã bố trí nơi ăn chốn ở cho 3 mẹ con tôi gần HTX. Công việc hàng ngày của tôi là trồng cỏ và chăm sóc bò, trung bình mỗi tháng thu nhập từ 6-7 triệu đồng giúp 3 mẹ con đủ trang trải cuộc sống.
Theo thống kê sơ bộ của Liên minh HTX tỉnh: Toàn tỉnh hiện có 120 HTX do phụ nữ làm quản lý, chiếm 16% tổng số HTX (cao hơn bình quân chung cả nước là 7,6%). Các HTX này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm khoảng 80%) với doanh thu bình quân hàng năm đạt 2,2 tỷ đồng/HTX, giải quyết việc làm cho trên 3.600 thành viên và người lao động, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng…
Nhiều HTX không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, phát triển các sản vật của địa phương.
Đơn cử như HTX chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên), tiền thân là Tổ hợp tác sản xuất chè, thành lập năm 2016 với 7 thành viên, đến nay HTX có 50 thành viên chính thức và hàng trăm hộ dân liên kết, trong đó chị em phụ nữ chiếm gần 80%. Đây là 1 trong 2 HTX của tỉnh và là HTX chè duy nhất do phụ nữ làm quản lý có sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX, cho hay: Sản phẩm chè Tôm nõn đạt OCOP 5 sao là thành quả của nhiều đôi bàn tay, trí tuệ, mà phần lớn là chị em. Thấu hiểu sự vất vả của chị em khi "gánh" trên vai nhiều trọng trách làm mẹ, làm vợ, cuộc sống gắn liền với nương chè nắng mưa, khuya sớm, do vậy HTX luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chị em; tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề và các chương trình văn hóa, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho chị em. Bên cạnh đó, HTX cũng ưu tiên sắp xếp công việc phù hợp đối với thành viên, người lao động là nữ trong thời gian nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ…
Không riêng HTX chè Hảo Đạt, nhiều HTX do nữ làm quản lý đã xây dựng được thương hiệu, "chắp cánh" cho sản vật địa phương bay cao, bay xa. Cùng với đó là khẳng định tài năng, bản lĩnh lãnh đạo trên thương trường, gặt hái được nhiều thành công.
Các thành viên HTX bò Mông số 11 (xã Văn Lăng, Đồng Hỷ) chăm sóc đàn bò. |
Tính từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 230 lượt cá nhân là lãnh đạo, thành viên là nữ của các HTX được các cấp, ngành tuyên dương, khen thưởng, trong đó có 2 cá nhân được nhận Huân chương Lao động hạng Ba; 1 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 cá nhân được tặng danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên; 2 cá nhân đoạt giải Nhì và giải Ấn tượng của cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo”; 3 cá nhân đạt danh hiệu Nông dân tiêu biểu xuất sắc hàng năm; 4/100 HTX đạt danh hiệu HTX tiêu biểu toàn quốc...
Đến nay, toàn tỉnh có 35 HTX do nữ làm chủ thực hiện chuỗi liên kết giá trị gắn với hàng hóa chủ lực, ngành nghề mũi nhọn của địa phương. Có 100 sản phẩm của các HTX do phụ nữ quản lý được công nhận đạt từ 3-5 sao OCOP...
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, khẳng định: Nhiều HTX do phụ nữ lãnh đạo, quản lý đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, nông dân với nông dân, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế tập thể. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Từ đó tạo bước đệm để các nữ "thủ lĩnh" HTX nâng chất cho các sản phẩm, sản vật của địa phương, tạo sinh kế lâu dài cho người dân nói chung và chị em phụ nữ nói riêng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin