Khoảng 5 năm trở lại đây, các làng nghề mộc mỹ nghệ trên địa bàn huyện Phú Bình liên tục gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ ngày càng giảm, sản phẩm làm ra bán chậm, thậm chí không bán được… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của các hộ làm nghề.
Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm, xã Kha Sơn (Phú Bình) hiện nay chỉ còn 13 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ (giảm gần 20 hộ so với thời điểm mới thành lập làng nghề). |
Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trầm lắng hơn nhiều so với thời điểm 5 năm trước đây. Ông Nghiêm Quang Tạo, chủ một cơ sở thuộc Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm, xã Kha Sơn, chia sẻ: Từ năm 2018 trở về trước, khi sản phẩm của làng nghề còn được thương lái Trung Quốc thu mua và người dân đặt hàng nhiều, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi xuất bán 8-10 sản phẩm.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, do nhu cầu sử dụng sản phẩm từ gỗ không nhiều như trước, nên trung bình mỗi tháng, tôi chỉ xuất bán được 1-2 sản phẩm, trị giá 25-30 triệu đồng/sản phẩm, giảm 80% so với năm 2018. Thậm chí có tháng, nhà tôi không bán được sản phẩm nào. Chính vì thế, tôi buộc phải cắt giảm lao động từ 7 người xuống còn 1 người, trả công 350 nghìn đồng/ngày, giảm 150 nghìn đồng so với thời điểm năm 2018.
Tương tự, tại Làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu, chuyên sản xuất đồ gỗ giả cổ, ở xã Nga My, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng không khả quan hơn. Ông Tạ Văn Hưng, Trưởng Làng nghề buồn rầu: Thời điểm năm 2018, xưởng sản xuất đồ mộc của gia đình tôi lúc nào cũng duy trì 5-6 thợ. Mỗi tháng sản xuất và bán được 3-4 sản phẩm, trị giá hàng trăm triệu đồng, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Nhưng nay, thị trường tiêu thụ ngày một giảm, có những thời điểm, vài tháng liền tôi không bán được sản phẩm nào. Do đó, tôi chủ yếu tận dụng nhân lực trong gia đình để duy trì sản xuất, đồng thời giảm giá thành sản phẩm đến 20% để cạnh tranh với thị trường.
Đơn hàng giảm, lượng tiêu thụ chậm cũng là thực trạng chung của các hộ sản xuất, kinh doanh đồ mộc tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương. Theo chia sẻ của các hộ dân làng nghề, lượng hàng tiêu thụ chậm một phần do khách hàng phía Trung Quốc không thu mua; một phần do kinh tế khó khăn, nhu cầu mua sắm của người dân giảm. Mặt khác, trên thị trường hiện nay có nhiều loại sản phẩm nhôm kính, nhựa có thể thay thế đồ gỗ, trong khi độ bền không thua kém. Do đó, một bộ phận người dân chuyển dần sang sử dụng đồ nhôm kính, nhựa để làm các loại cửa, đồ dùng trong gia đình.
Huyện Phú Bình hiện có 3 làng nghề mộc mỹ nghệ, gồm: Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ; Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm và Làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu. Để duy trì hoạt động của làng nghề, nhiều hộ dân vẫn quyết bám trụ với nghề cha ông để lại, dù việc sản xuất chỉ là cầm chừng. Tuy nhiên, cũng có những hộ không thể duy trì nổi do không có khả năng “gánh” lãi suất vay ngân hàng, nên đành thanh lý máy móc, chuyển đổi ngành nghề, tìm công việc khác để có thu nhập.
Riêng tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm, nếu như năm 2010 - khi mới thành lập, có trên 30 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, thì nay chỉ còn 13 hộ. Doanh thu vì thế cũng giảm từ trên 20 tỷ đồng xuống còn khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Trước thực trạng trên, người dân tại các làng nghề mộc mỹ nghệ trên địa bàn huyện Phú Bình mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành chức năng để vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì sản xuất ổn định. Từ đó góp phần để các làng nghề phát triển bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin