Nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, kích thích tiêu dùng nội địa, ngành Công Thương tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) mở rộng thị trường. Các chương trình đã hỗ trợ giới thiệu sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của các địa phương, góp phần tạo thói quen cho người dân trong ưu tiên dùng hàng Việt.
Lần đầu tiên sản phẩm na La Hiên được livestream bán hàng. |
Hỗ trợ quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp. Sở chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại sáng tạo, đổi mới mô hình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các DN, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, qua đó tìm kiếm đối tác.
Việc tổ chức các hội chợ triển lãm “Mỗi xã phường một sản phẩm - Thái Nguyên 2022”, “Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2023”, phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi”, chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã hỗ trợ nhiều DN, HTX giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.
Là chủ DN nhiều năm đồng hành với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương), anh Dương Thế Hùng, Giám đốc Siêu thị Aloha Thái Nguyên, phấn khởi nói: Qua các chương trình kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã hỗ trợ tốt các DN, HTX. Tham gia những chương trình này, chúng tôi được hỗ trợ các gian hàng trưng bày bán sản phẩm, một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, giới thiệu sản phẩm, livestream bán hàng… Mỗi chương trình, chúng tôi lựa chọn khoảng 200 mã hàng thiết yếu như: Thực phẩm, hóa mỹ phẩm, thời trang, hàng gia dụng có xuất xứ trong nước để quảng bá, giới thiệu, bán cho người tiêu dùng.
Năm 2022 và 9 tháng năm 2023, Sở Công Thương đã thực hiện hỗ trợ, kết nối tạo điều kiện cho khoảng 550 lượt DN, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia trực tiếp hoặc gửi hàng hóa tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh, thành trong cả nước như: Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Phú Thọ, Hà Nam, Đà Nẵng, KonTum, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang...
Mới đây, Sở Công Thương đã tổ chức gian trưng bày giới thiệu 50 sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh tại Diễn đàn Kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ II và kết nối hợp tác địa phương, doanh nghiệp Việt Nam-Kyusu (Nhật Bản), với sự tham dự của Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải làm Trưởng đoàn.
Các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trưng bày, giới thiệu được các DN nước bạn và lãnh đạo tỉnh đánh giá rất cao. Qua đó, hàng trăm hợp đồng bao tiêu, phân phối tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết với các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối trong và ngoài nước...
Thông qua các chương trình, Ban Tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền về việc thanh toán không dùng tiền mặt. |
Tạo thói quen dùng hàng Việt
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi”, cũng như Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa được Sở Công Thương tiếp tục mở rộng theo chiều sâu, gia tăng cả về số lượng và chất lượng.
Năm 2022, Sở Công Thương đã tổ chức Chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại huyện Phú Bình, Phú Lương; 3 phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” tại huyện Đại Từ, TP. Sông Công và TP. Phổ Yên, thu hút trên 18 nghìn lượt khách tham quan, tổng doanh số bán hàng lên đến 3 tỷ đồng. Các chương trình này đã huy động được nhiều nguồn lực để tặng quà có tổng trị giá trên 200 triệu đồng cho các gia đình khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.
Chị Dương Thị Hải ở xã Tân Thành, Phú Bình, phấn khởi nói: Tham quan phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” tại xã mới đây, tôi và nhiều người dân đã mua được nhiều sản phẩm do các DN trong nước sản xuất. Tôi hiểu rằng đã là người Việt Nam yêu nước thì cần ưu tiên sử dụng hàng hóa do các DN trong nước sản xuất, đã được các cơ quan chức năng kiểm định, yên tâm về chất lượng và giá cả cũng rất hợp lý.
Trong tháng 10 này, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại phối hợp với UBND các huyện Phú Bình, Phú Lương tổ chức 2 chương trình "Đưa hàng Việt về miền núi" và 2 chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại huyện Đại Từ và TP. Sông Công.
Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Công Thương triển khai linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX, đảm bảo ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Hiện Trung tâm đang tập trung cao độ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng được UBND tỉnh giao như: “Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên 2023”; “Festval Nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023”; Chương trình “Xúc tiến sắc màu nông sản thời kỳ 4.0 - Thái Nguyên 2023”.
Hiện có trên 2.600 sản phẩm của hơn 240 đơn vị, trong đó có 173 sản phẩm OCOP, 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước như: Voso.vn, Postmart.vn, Lazada.vn; Tiki.vn; Sendo.vn, Alibaba.com; Amazon.com... |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin