Thông thường, dịp cuối năm là thời điểm thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) trở nên sôi động, giúp các doanh nghiệp sản xuất, cửa hàng kinh doanh trong lĩnh vực này “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, năm nay tình hình lại trái ngược. Bất động sản, xây dựng ảm đạm kéo theo sức mua các loại VLXD thông thường ở mức thấp, dù giá đã liên tục được điều chỉnh giảm.
Nhu cầu xây dựng thấp khiến doanh thu của nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh không mấy khả quan. |
Là doanh nghiệp chuyên cung ứng, vận chuyển VLXD, Công TNHH Thương mại và Vận tải Long Thành Đạt (trụ sở tại xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên) sở hữu 12 xe tải, cùng các loại máy xúc, xe nâng, xe cẩu; hệ thống kho bãi rộng hơn 1.000m2.
Nếu như mọi năm, doanh nghiệp thường bận rộn nhất vào những tháng cuối năm thì năm nay công việc ít hơn rất nhiều. Doanh thu mỗi tháng chỉ đạt 500-600 triệu đồng, giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Anh Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Cùng thời điểm này vài năm trước, khách hàng phải thông báo trước 1-2 ngày chúng tôi mới có thể sắp xếp vận chuyển đúng lịch được. Tuy nhiên, hiện giờ một số xe của chúng tôi đang nằm bãi, tài xế không có việc làm.
Cũng theo anh Đạt, giá các loại VLXD như xi măng, đá, sỏi, cát, gạch… hiện khá "mềm", chỉ bằng khoảng 70-80% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu xây dựng thấp nên dù giá cả các loại VLXD đã giảm sâu nhưng tiêu thụ vẫn rất chậm. Khảo sát tại một số đại lý VLXD trên địa bàn TP. Thái Nguyên, chúng tôi đều nhận được câu trả lời doanh số bán hàng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ mọi năm.
Trong năm nay, giá sắt thép xây dựng liên tục được điều chỉnh giảm và hiện ở mức 15-15,5 triệu đồng/tấn tùy loại, thương hiệu. So với đầu năm, mức giá này giảm khoảng 1,5 triệu đồng/tấn; còn so với đỉnh điểm năm 2022, mức giảm là hơn 5 triệu đồng/tấn.
Đại diện một đại lý trên đường Cách mạng Tháng Tám (phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên), nói: Tính trong khoảng 10 năm trở lại đây, chưa khi nào thị trường VLXD ảm đạm như hiện nay.
Việc tiêu thụ chậm khiến các doanh nghiệp sản xuất VLXD gặp khó khăn buộc phải giảm sản lượng để không bị tồn kho quá lớn. Đối với Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI, sản lượng sản xuất 10 tháng năm 2023 chỉ đạt 523.000 tấn xi măng và clinker, bằng 67% kế hoạch cả năm. Hiện, khối lượng tồn kho của đơn vị là khoảng 50.000 tấn.
Hiện nay, lượng hàng tồn kho của Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI là khoảng 50 nghìn tấn xi măng. |
Còn tại Công ty CP Vật liệu và Xây dựng Tân Long (ở tổ 7, phường Tân Long, TP. Thái Nguyên), từ đầu năm đến nay có hơn 5 tháng doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất; sản lượng gạch chỉ đạt hơn 2 triệu viên, bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Anh Trần Thế Tùng, Giám đốc Công ty, tâm tư: Gạch năm nay có giá ở mức thấp nhưng vẫn khó bán. Chúng tôi phải cắt giảm hơn 10 nhân công vì thực tế là làm càng nhiều lại càng lỗ và diện tích kho bãi không đáp ứng. Cuối năm, sản lượng bán ra của Công ty có nhiều hơn đôi chút nhưng cũng chỉ đạt khoản 2 vạn viên gạch/ngày.
Khi nhu cầu xây dựng giảm, các mặt hàng VLXD tiêu thụ chậm là điều đương nhiên. Điều này khiến nhiều lao động làm nghề xây dựng, kinh doanh vận tải và thiết bị nội thất cũng bị ảnh hưởng theo. Trước thực trạng này, nhiều đơn vị đã và đang thực hiện các giải pháp để kích cầu như giảm giá bán sản phẩm; tiếp cận các nhóm khách hàng mới; cung cấp vật liệu cho khách hàng theo hình thức trả chậm...
Theo dự báo, đầu tư công và thị trường bất động sản có xu hướng "ấm" dần lên và phát triển trở lại trong năm 2024. Điều này sẽ giúp nhu cầu về VLXD và lao động tích cực, khả quan hơn. Đây là điều các doanh nghiệp sản xuất và cơ sở kinh doanh VLXD đang hết sức mong chờ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin