Quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây lâm nghiệp

Vi Vân 10:26, 30/11/2023

Để rừng trồng phát triển bền vững, bên cạnh việc quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây lâm nghiệp do các vườn ươm sản xuất, ngành chức năng huyện Đại Từ còn tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Nhân viên Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Đại Từ chăm sóc giống cây lâm nghiệp.
Nhân viên Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Đại Từ chăm sóc giống cây lâm nghiệp.

Huyện Đại Từ hiện có 10 vườn ươm giống cây lâm nghiệp, với diện tích khoảng 10ha. Trung bình mỗi năm, các vườn ươm cung cấp trên 200 vạn cây giống, chủ yếu là giống cây keo nội, ngoại và một số loại cây bản địa như dổi, lim, lát… phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh.

Ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ, cho biết: Để đảm bảo chất lượng rừng trồng, hàng năm, đơn vị đều tổ chức kiểm tra trực tiếp các vườn ươm trên địa bàn từ khâu làm đất, xử lý giống đến chăm sóc cây giống trong vườn. Nhìn chung, quy trình xử lý vườn ươm của các cơ sở tuân thủ đúng kỹ thuật lâm sinh, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, cây giống đảm bảo chất lượng.

Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ cũng tiến hành kiểm tra hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ giống cây do các cơ sở nhập. Tuyên truyền tới các cơ sở đưa giống cây có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không để giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém lưu hành trên thị trường. 

Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Đại Từ có vườn ươm giống cây ở xóm Khuôn 1, xã Phục Linh, là một trong số những vườn ươm có uy tín, đảm bảo chất lượng cây giống. Ông Hoàng Văn Long, cán bộ kỹ thuật Công ty, thông tin: Để cây giống đến tay người dân có tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt, chúng tôi đều nhập hạt giống ở địa chỉ được cấp có thẩm quyền công nhận, đảm bảo chất lượng. Trong quá trình chăm sóc cây giống, nếu cây có biểu hiện còi cọc, sâu bệnh, đơn vị sẽ tiêu huỷ ngay, tránh làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng gỗ sau này.

Với trên 26.000ha rừng, trong đó 13.000ha rừng sản xuất, những năm qua, bên cạnh việc quản lý tốt chất lượng giống cây lâm nghiệp, ngành chức năng và chính quyền huyện Đại Từ còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển dần từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, nhằm tăng môi trường sinh thái, chất lượng gỗ và nâng cao thu nhập cho bà con.

Qua phân tích, nếu bà con thu hoạch gỗ ở năm thứ 6-7, cơ bản chỉ bán gỗ theo cân để làm gỗ bóc, gỗ băm, giá trị mang lại không cao. Từ năm thứ 6 trở đi, gỗ sinh khối nhanh, đến năm thứ 10, phẩm cấp, chất lượng gỗ sẽ tốt hơn nhiều so với gỗ thu hoạch ở năm thứ 6, 7. Trung bình, người dân sẽ bán được 2 triệu đồng/m3. Với 1ha, bà con sẽ có thu nhập hơn 200 triệu đồng (cao hơn từ 120-130 triệu đồng/ha so với bán gỗ theo cân, tùy từng thời điểm).

Do đó, 3 năm trở lại đây, khi được ngành chức năng và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, người dân đã hiểu hơn về giá trị của trồng rừng gỗ lớn và tiến hành chuyển đổi trên 2.000ha từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Nhờ đó, sản lượng gỗ khai thác năm 2023 đạt 46.000m3 (tăng 8.000m3 so với năm 2022); giá trị sản xuất lâm nghiệp dự ước đạt 80 tỷ đồng.

Đại Từ đang thực hiện kế hoạch quản lý rừng bền vững, tiến tới cấp chứng chỉ rừng tại 4 xã là Phúc Lương, Đức Lương, Minh Tiến và Yên Lãng với diện tích 1.500ha. Hiện, đơn vị tư vấn đã lập bản đồ cấp chứng chỉ rừng, tiến hành điều tra thực địa và lập hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ rừng FSC. Qua đó đảm bảo việc quản lý rừng cân bằng cả về yếu tố môi trường và lợi ích kinh tế - xã hội.