Những năm gần đây, nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc chè nên trong vụ đông, người dân trồng chè trên địa bàn TP. Thái Nguyên vẫn có thể thu thêm từ 1-2 lứa. Theo bà con, chè vụ đông có vị đượm, ngậy nên giá bán thường cao hơn chè chính vụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập.
Nhờ nắm chắc các kỹ thuật chăm sóc chè nên gia đình ông Nguyễn Ngọc Trung, ở xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên) có thể thu thêm từ 1-2 lứa chè vụ đông, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập. |
Thời điểm này, nhiều người dân ở các xã vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên), như: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức… bắt đầu chuyển sang chăm sóc diện tích chè theo “tiêu chuẩn chè đông”, như chăm tưới nhiều hơn, dọn nương, tỉa cành… Theo bà con, giai đoạn này, nếu chăm sóc tốt, diện tích chè vẫn có thể cho thu hái từ 1-2 lứa, dù năng suất không cao nhưng giá trị sản phẩm lại cao hơn gấp 1,5-2 lần so với chè chính vụ.
Anh Nguyễn Ngọc Trung, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, cho biết: Gia đình tôi có gần 10 sào chè, với các giống chè Trung du, LDP1, TRI777, Long Vân, toàn bộ chuyển đổi sang chăm sóc hữu cơ. Vào vụ chính, mỗi lứa, gia đình thu được 3,5 tạ chè búp khô. Còn vụ đông, năng suất chỉ đạt khoảng 2/3 so với vụ chính, nhưng do được chăm sóc đặc biệt (tưới đủ nước, phân khi bón không bị rửa trôi...), chất lượng chè đậm và ngon hơn nên giá bán tăng. Nếu như chè chính vụ, giá khoảng 400-500 nghìn đồng/kg thì chè đông giá từ 600-700 nghìn đồng/kg tùy loại.
Theo người dân trồng chè, từ cuối tháng 10 Dương lịch, khi thời tiết bắt đầu có sương muối, dần chuyển lạnh, là nguyên nhân chính khiến cây chè phát triển chậm hơn. Chính vì vậy, người làm chè phải nắm chắc các kỹ thuật chăm sóc ở thời điểm này. Nếu như trước đây, khoảng 3-4 ngày mới tưới chè một lần thì ở vụ đông, 1 ngày phải tưới 1 lần, phần là để rửa sương, phần nữa là giữ ẩm cho đất, giúp cây sinh trưởng. Ngoài tưới nước, người dân cũng cần bón các loại phân hữu cơ, với liều lượng phù hợp kết hợp với làm sạch cỏ trong nương chè…
Ông Bùi Trọng Đại, Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên, xã Tân Cương, chia sẻ: Nếu như chè vụ chính thời gian thu hái mỗi lứa là 28-35 ngày thì ở vụ đông kéo dài từ 35-40 ngày/lứa. Tức là từ đầu tháng 10 Dương lịch đến đầu tháng 1 năm sau, người dân có thể thu 1-2 lứa và thực hiện cắt cúp chè cho cây nghỉ chờ lứa chè xuân…
Các kỹ thuật chăm sóc cây chè sau cắt cúp cũng được người làm chè trên địa bàn TP. Thái Nguyên đặc biệt chú trọng. Đây cũng là khoảng thời gian cây nghỉ nên ngoài tưới nước đều đặn (sử dụng vòi tưới phun tự động tránh đất bị rửa trôi) mỗi ngày, dọn sạch cỏ nương chè, người dân cần xới tơi đất ở giữa 2 luống chè để bón phân, dấp cây xanh. Khoảng thời gian cho cây nghỉ sau cắt cúp vào khoảng 2 tháng bắt đầu thu hái lứa chè xuân đầu tiên.
Hiện nay, trên địa bàn TP. Thái Nguyên có khoảng 1.500ha chè, tập trung nhiều ở các xã, như: Tân Cương, Phúc Xuân, Quyết Thắng, Phúc Trìu… Trong đó, diện tích chè sản xuất vụ đông chiếm khoảng 50-60%. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian qua, người làm chè trên địa bàn đã ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào các khâu từ trồng, chăm sóc, sản xuất và chế biến chè, như: đầu tư dàn tưới nước tự động; sử dụng máy sao chè bằng tôn ga; đóng gói chè bằng máy hút chân không; chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…
Theo số liệu thống kê, hiện nay, trong khoảng 1.500ha chè toàn thành phố, có khoảng 65-70% diện tích sử dụng hệ thống tưới tự động; khoảng 35-40% số hộ sử dụng sao chè bằng tôn ga; khoảng 80% số hộ sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và chuyển đổi sản xuất hữu cơ…
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, diễn biến thời tiết bất thường ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc chè vụ đông. Nếu thời tiết ấm, độ ẩm cao, người dân cần đặc biệt chú trọng đến việc phòng trừ các loại sâu bệnh phát sinh, có biện pháp phòng trừ kịp thời. Còn ngược lại, thời tiết rét đậm, rét hại hoặc tỷ lệ sương mù cao, bà con có thể sử dụng lưới chắn nắng để che chắn vào ban đêm, mở ra vào ban ngày để cây hấp thụ ánh sáng. Với các kỹ thuật đốn chè, nếu những nương chè thực hiện đốn đau, cần phải bón phân cho cây trước khi đốn để cây có đủ lực sinh trưởng khi gặp thời tiết bất lợi…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin