Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn; xuất khẩu không thuận lợi; thị trường bất động sản trầm lắng… Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay chưa đảm bảo tiến độ. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2023, vì vậy, Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành liên quan đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để tăng tốc thu ngân sách.
2 tháng cuối năm 2023, dự kiến thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 400 tỷ đồng. Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Hải quan Thái Nguyên kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan. |
Nhiều khoản thu “tụt dốc”
Bước sang năm 2023, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Tính đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh có trên 800 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động - con số lớn nhất từ trước tới nay. Thị trường bị thu hẹp, đơn hàng giảm sút khiến cho nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô sản xuất... dẫn tới doanh thu sụt giảm theo.
Thống kê cho thấy, những năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử (chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có đóng góp quan trọng vào kết quả thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, trong 10 tháng năm 2023, tổng doanh thu của các doanh nghiệp này giảm hơn 5 tỷ USD so với cùng kỳ, kéo theo số nộp ngân sách cũng giảm mạnh.
Tương tự, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - khai khoáng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi lượng tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, giá nguyên vật liệu tăng, trong khi giá bán liên tục giảm. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đóng góp ngân sách của doanh nghiệp.
Đóng gói sản phẩm sữa tươi tại Công ty CP Elovi (TP. Phổ Yên). |
Cùng với đó, thị trường bất động sản trầm lắng khiến cho số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng sụt giảm, tác động rất lớn đến nhiệm vụ thu ngân sách. Theo thống kê, hoạt động giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Riêng tại TP. Thái Nguyên, số lượng hồ sơ chuyển nhượng bất động sản giảm gần 5.500 hồ sơ, tương ứng giảm gần 36% so với cùng kỳ; TP. Phổ Yên giảm gần 5.400 hồ sơ, tương ứng giảm hơn 68%. Giao dịch bất động sản giảm dẫn tới các khoản thu từ lĩnh vực này như: Lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đều giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 10, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh mới đạt 13.353 tỷ đồng, bằng 68% dự toán Bộ Tài chính giao và bằng 88,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, thu nội địa đạt 11.096 tỷ đồng, bằng 67,3% dự toán và bằng 89,8% cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 2.135 tỷ đồng, bằng 69% dự toán và bằng 82,2% cùng kỳ năm trước. Trong số các khoản thu nội địa, nhiều khoản thu đạt thấp và giảm mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt là thu cấp quyền sử dụng đất chỉ đạt 1.752/4.800 tỷ đồng, bằng 36,5% dự toán năm được giao, giảm 49,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, một số khoản thu khác cũng giảm 10-25%, như: Thu phí, lệ phí; lệ phí trước bạ; thuế bảo vệ môi trường…
Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên được Bộ Tài chính giao thu ngân sách 19.564 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 16.474 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu 3.090 tỷ đồng. HĐND tỉnh giao kế hoạch thu ngân sách 20.000 tỷ đồng.
Những tín hiệu khởi sắc
Bước sang quý IV/2023, tình hình kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi, hoạt động xuất nhập khẩu đang dần lấy lại nhịp tăng trưởng. Những yếu tố này đã tác động tích cực đến tình hình thu ngân sách của tỉnh. Trong tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tăng 5,79% so với tháng 9 và tăng 6% so với cùng kỳ; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2.374,6 triệu USD, tăng 15,9% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ; tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.481,3 triệu USD, tăng 10% so với tháng trước và tăng 36,6% so với cùng kỳ…
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất - kinh doanh có nhiều khởi sắc, không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng quy mô sản xuất và dự kiến có khoản nộp ngân sách/tháng cao hơn mức trung bình 10 tháng qua. Đây là tín hiệu tích cực cho công tác thu ngân sách. |
Theo ông Nguyễn Đăng Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên: 2 tháng cuối năm, dự kiến số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh sẽ đạt khoảng 400 tỷ đồng. Dự kiến, tổng số thu cả năm đạt trên 2.500 tỷ đồng. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm hoàn thành dự toán thu cả năm theo kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “ấm dần” sau một thời gian dài trầm lắng. Đây cũng là tín hiệu tích cực đối với hoạt động thu ngân sách của tỉnh. Những tháng cuối năm, các địa phương như: TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, huyện Đại Từ, huyện Phú Bình… đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục để đưa ra đấu giá một số khu dân cư và hoàn tất thủ tục giao đất đối với một số cụm công nghiệp trên địa bàn, nhằm đảm bảo kế hoạch thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.
Những tháng cuối năm, thị trường bất động sản “ấm dần” là tín hiệu tích cực đối với hoạt động thu ngân sách của tỉnh. Trong ảnh: Người dân thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch bất động sản tại Bộ phận Một cửa TP. Thái Nguyên. |
Ghi nhận tại TP. Thái Nguyên, mới đây, địa phương này đã thực hiện đấu giá thành công 175 lô đất của 2 khu dân cư, thu về trên 235 tỷ đồng, gần bằng kết quả thu tiền đất của 10 tháng trước đó. Đối với huyện Đại Từ, năm 2023, địa phương được giao thu tiền sử dụng đất 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 11, huyện đã thu đạt hơn 322 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt khoảng 450 tỷ đồng, bằng 225% dự toán được giao….
"Tăng tốc"
Mặc dù đã có những tín hiệu khởi sắc, song việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của tỉnh năm 2023 được đánh giá là rất nặng nề, khi thời gian còn lại không nhiều. Bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Từ nay đến cuối năm, ngành Thuế tiếp tục bám sát tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, tập trung rà soát, phân tích, đánh giá kỹ số thu 10 tháng đầu năm để xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, còn dư địa. Từ đó xây dựng phương án thu ngân sách trong thời gian còn lại của năm 2023. Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đồng chí lãnh đạo, đơn vị, địa bàn, cán bộ để thực hiện, khai thác nguồn thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách ở mức cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quan tâm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; chỉ đạo các địa phương ký cam kết về thực hiện thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đảm bảo thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu thu ngân sách. |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Thuế và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện những tháng cuối năm là tăng cường các giải pháp thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tích cực đôn đốc các trường hợp còn nợ đọng tiền sử dụng đất khẩn trương hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định…
Sản xuất hàng may xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. |
Những nỗ lực và các giải pháp linh hoạt nêu trên chính là cơ sở để tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt được những kết quả bứt phá trong thu ngân sách giai đoạn cuối năm. Qua đó đưa số thu ngân sách cả năm "về đích" theo đúng kế hoạch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin