Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị, “chắp cánh” cho các loại nông sản vươn xa. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ bà con nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, góp phần đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
HTX chè Tuyết Hương (ở xã Hóa Trung) tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tại Đại hội Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ nhiệm kỳ 2023-2028 (tháng 8-2023). |
Tận dụng lợi thế từ rừng, nhiều năm nay, bà con nông dân ở xã Hợp Thành (Phú Lương) đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Từ việc nuôi ong và sản xuất theo phương thức truyền thống, mạnh ai nấy làm, dần dần các hộ nuôi ong ở đây đã liên kết với nhau thành tổ hợp tác và đến tháng 7-2023 thì thành lập HTX Ong mật Hợp Thành.
Đến nay, HTX Ong mật Hợp Thành có 7 thành viên, với quy mô nuôi gần 1.000 đàn ong. Sản phẩm mật ong Núi Chúa của HTX đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên lần thứ 6 năm 2023. Và mới đây nhất, sản phẩm này được đánh giá chấm điểm đạt OCOP 3 sao, trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của xã được công nhận thương hiệu này.
Ông Ma Văn Hà, Giám đốc HTX Ong mật Hợp Thành, cho biết: Trong quá trình thành lập và phát triển HTX, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, nhất là các cấp HND trong việc thành lập mô hình kinh tế tập thể, tập huấn kiến thức, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ làm tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm và được tặng 1.800 chai thuỷ tinh.
HTX cũng được các cấp HND thường xuyên giới thiệu, quảng bá, hướng dẫn tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhờ vậy, chất lượng và sản lượng mật ong được nâng lên. Tính từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất bán ra thị trường gần 10.000 lít mật, với giá bán trung bình 120.000 đồng/lít, doanh thu đạt gần 1,2 tỷ đồng.
HTX Ong mật Hợp Thành, xã Hợp Thành (Phú Lương) hiện có 7 thành viên, nuôi gần 1.000 đàn ong, trung bình mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 10.000 lít mật. |
Cùng với sản phẩm của HTX Ong mật Hợp Thành, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại nông sản được các cấp HND hỗ trợ xây dựng thương hiệu thành công. Hiện nay, các cấp HND trong tỉnh được giao làm chủ sở hữu quản lý 12 nhãn hiệu, thương hiệu nông sản (như nhãn hiệu Chè Thái Nguyên, Ổi Linh Nham, Lúa nếp Thầu dầu, Gạo Bao thai Định Hóa, Gạo nếp vải Phú Lương, Tương nếp Úc Kỳ, Na La Hiên, Đào Cam giá...). Từ năm 2018 đến nay, HND tỉnh đã tổ chức tôn vinh 158 sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh. Thông qua các mô hình, dự án từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân một số sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 và 5 sao.
Một số nông sản thế mạnh sau khi được xác lập nhãn hiệu cộng đồng mang tên địa danh trên sản phẩm có ý nghĩa lớn, thương hiệu mang tính bền vững, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, tạo lòng tin với người tiêu dùng. Theo thống kê của HND tỉnh, hiện toàn tỉnh có 24 nhãn hiệu cộng đồng được bảo hộ cho các sản phẩm nông nghiệp; 23 nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó có nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký bảo hộ thành công tại Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nga và đang tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Ngô Thế Hoàn, Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, Hội đã phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ cho HTX, tổ hợp tác xây dựng, phát triển và sử dụng mã số, mã vạch, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin kết nối cung cầu sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản đặc sản, hiệu quả tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Các nhóm bán hàng livestream bán sản phẩm na Võ Nhai và nông sản Thái Nguyên trên nền tảng mạng xã hội. Ảnh: T.L |
Các cấp HND cũng tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia liên kết sản xuất theo các hình thức kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thống cũng như sản phẩm mới. Hàng năm, HND tỉnh mở nhiều lớp tập huấn cho nông dân về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, quản lý thương hiệu, nhãn mác hàng hóa nói chung và nông sản, thực phẩm nói riêng. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường, tạo dựng thương hiệu nông sản cho địa phương cũng được hình thành.
Bên cạnh đó, HND tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh và Viettel Thái Nguyên để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh trên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.vn. Từ năm 2021 đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức 27 lớp tập huấn về việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò cho trên 1.400 hộ sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, HND tỉnh phối hợp với Sở Công Thương triển khai văn bản và gửi danh sách đề xuất hỗ trợ tiêu thụ nông sản và gửi sản phẩm vào chuỗi siêu thị (đến nay đã nhận được 16 sản phẩm của 48 hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký đề nghị hỗ trợ); phối hợp lựa chọn 20 sản phẩm OCOP tham gia gian hàng thương mại điện tử trên sàn POSTMART.VN, đồng thời kết nối đăng tải thông tin về các đơn vị, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” lên ứng dụng C-ThaiNguyen và Trang thông tin điện tử của HND tỉnh...
Thời gian tới, HND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; hướng dẫn, vận động hội viên xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả; kiến nghị với các cơ quan liên quan hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm, cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng nhận về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho sản phẩm nông nghiệp của các mô hình kinh tế hợp tác...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin