Gắn du lịch với sản phẩm làng nghề

Chí Cường. 16:30, 01/12/2023

Ngày 1-12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNN, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội nghị - Tọa đàm: Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phầm OCOP, nông sản và làng nghề tỉnh Thái Nguyên. Tham dự có các đồng chí là lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội, công ty lữ hành, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

 

Hiệp hội Làng nghề tỉnh có 334 hội viên ở các lĩnh vực sản xuất chè, chế biến gỗ, sinh vật cảnh, mây tre đan, trong đó làng nghề chè chiếm hơn 90%. Đến nay, trên toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm được công nhận đạt OCOP từ 3 đến 5 sao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại một số quốc gia trên thế giới; một số đặc sản địa phương được hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. 100% huyện, thành phố có làng nghề xây dựng được kế hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng.

Các ý kiến tham luận của đại biểu tập trung vào một số vấn đề, như: Khó khăn trong vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm; do sản xuất manh mún nên sản phẩm làng nghề còn đơn điệu về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng chưa đồng đều; giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất trong làng nghề chưa có mối liên kết chặt chẽ...

Tại Hội nghị - Tọa đàm, Ban Tổ chức đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó có tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và mọi người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống; tiếp tục số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác bảo tồn, phát triển làng nghề; phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch đặc trưng, như du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà.