Hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển

Lưu Phượng 07:51, 07/12/2023

Giai đoạn 2018-2023, Hội Nông dân (HND) huyện Phú Lương đã thành lập được 45 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 18 HTX và 19 tổ hợp tác (THT), với đa dạng ngành nghề. Đây là kết quả nổi bật của Hội trong việc vận động, hướng dẫn nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập.

Ông Ma Văn Hà, ở xóm Khuân Lâm, xã Hợp Thành (Phú Lương) đã liên kết với người dân cùng nghề trong xã để thành lập HTX ong mật Hợp Thành.
Ông Ma Văn Hà (bên phải), ở xóm Khuân Lâm, xã Hợp Thành (Phú Lương) đã liên kết với người dân cùng nghề trong xã thành lập HTX ong mật Hợp Thành.

Bà Trịnh Ngọc Trà, Chủ tịch HND huyện Phú Lương, cho biết: Toàn huyện có trên 15.700 hộ hội viên nông dân, sinh hoạt tại 15 hội cơ sở. Xác định kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, Hội đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thành lập các mô hình kinh tế tập thể làm nền tảng thành lập các chi hội nghề nghiệp, THT, HTX.

Để hỗ trợ các mô hình, HND huyện đã tạo điều kiện để các THT, HTX, tổ hội nghề nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và các ngân hàng. Hiện nay, Hội đang quản lý trên 5,2 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, xây dựng được 11 dự án cho 98 hộ vay vốn phát triển kinh tế. Ngoài ra, toàn huyện có trên 4.600 hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, với tổng dư nợ 338 tỷ đồng.

Nhờ sự đồng hành, hỗ trợ hiệu quả, từ năm 2018 đến nay, HND huyện Phú Lương đã thành lập được 45 mô hình kinh tế tập thể, tập trung vào các ngành nghề: sản xuất chế biến chè, nuôi ong mật, sản xuất mỳ gạo, kinh doanh cá giống, trồng rừng tập thể, trồng cây dược liệu, phát triển nông sản gắn với du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp... Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ...

Điển hình như để nâng cao giá trị của cây lúa nếp Vải bản địa, năm 2020, được sự vận động của HND xã Ôn Lương, 10 hộ dân ở xóm Khau Lai đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất - kinh doanh nếp vải Khau Lai, canh tác trên diện tích 5 ha. Tham gia Tổ hội, bà con được hướng dẫn quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Chị Trần Thị Thu, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa nếp Vải xóm Khau Lai, chia sẻ: Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác mới, lúa nếp Vải cho năng suất, chất lượng cao hơn. Các thành viên trong Tổ hội cũng thường xuyên chia sẻ cách chế biến các sản phẩm từ gạo nếp Vải (như cốm, bánh chưng, bánh dày, cơm cháy…) và giúp nhau quảng bá sản phẩm đến khách hàng. Nhờ vậy, trung bình 1 mẫu gieo cấy lúa nếp Vải thu được 2,2 tấn thóc, giá bán tại nhà là 15 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với lúa tẻ thông thường và cao hơn 5-6 lần khi được chế biến thành cốm, bánh chưng, bánh dày, cơm cháy…

Hay như ông Ma Văn Hà, xóm Khuân Lâm, xã Hợp Thành, từ giữa năm 2022 ông đã liên kết với người dân cùng nghề trong xã thành lập THT nuôi ong, rồi phát triển thành HTX ong mật Hợp Thành, với 7 thành viên. Từ đầu năm 2023 đến nay, HTX đã xuất bán được gần 10 nghìn lít mật, doanh thu đạt gần 1,2 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch HND huyện Phú Lương Trịnh Ngọc Trà: Khi hình thành các tổ hội nghề nghiệp, mối liên kết, hợp tác trong sản xuất giữa các thành viên sẽ chặt chẽ hơn. Từ đó, HND sẽ phối hợp tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; kết nối để các thành viên tổ hội nghề nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, vật tư nông nghiệp và hỗ trợ tìm hiểu thị trường, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, Hội hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart...