Phú Lương mở hướng phát triển toàn diện

Nguyễn San 18:47, 01/11/2023

Sau khi làm việc với huyện Phú Lương, ngày 26/10/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có thông báo kết luận quan trọng về lãnh đạo xây dựng và phát triển địa phương này đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2024, Phú Lương quyết tâm đạt huyện nông thôn mới; thị trấn Đu (trung tâm huyện) đạt tiêu chí đô thị loại IV; xây dựng đường vành đai 1 kết nối Phú Lương với huyện Đồng Hỷ... Những định hướng này sẽ tạo tiền đề, sức bật phát triển toàn diện cho Phú Lương - một huyện miền núi còn nhiều khó khăn ở khu vực cửa ngõ phía Bắc của tỉnh.

Nếp vải Ôn Lương là một trong những thương hiệu nông sản có tiếng của huyện Phú Lương.
Lúa nếp vải Ôn Lương là một trong những thương hiệu nông sản có tiếng của huyện Phú Lương.

Kết quả sau hơn nửa nhiệm kỳ 

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phú Lương đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua trở ngại, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, đạt được kết quả khá tích cực và toàn diện.

Đáng chú ý, một số chỉ tiêu quan trọng đều tăng, như: Thu ngân sách tăng 10,3%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 11,29%/năm; giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,05%/năm; xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc; văn hóa - xã hội, chuyển đổi số chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều đổi mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện đang duy trì đà tăng trưởng. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Khoa Hồng (xã Động Đạt).
Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đang duy trì đà tăng trưởng. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Khoa Hồng (xã Động Đạt).
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH SHINTS – BTV (thị trấn Đu).
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH SHINTS - BTV (thị trấn Đu).

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; công tác thu hút đầu tư chưa tương xứng, nhất là thu hút đầu tư ngoài ngân sách; xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản có lúc còn chưa chặt chẽ...

 
Nhiều mô hình kinh tế trên địa bàn đang phát huy hiệu quả.
Nhiều mô hình kinh tế trên địa bàn huyện Phú Lương đang phát huy hiệu quả.

Nhiệm vụ lớn đặt ra

Trong cuộc làm việc với huyện Phú Lương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đề nghị địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để phục vụ mục tiêu phát triển; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Do là huyện miền núi nên Phú Lương cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ chế biến vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế; phát triển cây chè và các sản phẩm thế mạnh của huyện như: Chè, gạo nếp vải, mật ong, chế biến gỗ...; phấn đấu đến năm 2025, 100% xã có sản phẩm OCOP; chú trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và thương mại - dịch vụ; ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp thế mạnh của địa phương như: Khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, may mặc... 

Nhiều địa phương của huyện đang phát huy khá tốt lợi thế về lâm nghiệp. Trong ảnh: Một khu vực trồng rừng sản xuất tại xã Yên Đổ.
Nhiều địa phương của huyện đang phát huy khá tốt lợi thế về lâm nghiệp. Trong ảnh: Một khu vực trồng rừng sản xuất tại xã Yên Đổ.

Ngoài ra, triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các dự án khu dân cư, khu đô thị; xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với quảng bá các di tích lịch sử văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống, vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương.

Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng huyện đảm bảo tiến độ, chất lượng; tăng cường đảm bảo chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục, quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. 

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; kết hợp chặt chẽ quốc phòng - an ninh với kinh tế trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng khu vực phòng thủ huyện ngày càng vững chắc, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Hạ tầng giao thông nông thôn tại Phú Lương những năm gần đây được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Trong ảnh: Một tuyến đường bê tông tại xã Cổ Lũng.
Hạ tầng giao thông nông thôn tại Phú Lương những năm gần đây được quan tâm đầu tư mạnh. Trong ảnh: Một tuyến đường bê tông tại xã Cổ Lũng.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm. Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường THCS Phủ Lý.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếp tục được quan tâm. Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường THCS Phủ Lý.

Đồng thời tăng cường xây dựng Đảng bộ huyện ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác tổ chức, cán bộ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy... 

Trà là một sản phẩm thế mạnh của huyện. Trong ảnh: Chế biến chè tại Hợp tác xã Nông sản Phú Lương.
Chè là một sản phẩm thế mạnh của huyện. Trong ảnh: Chế biến chè tại Hợp tác xã nông sản Phú Lương.

Quyết tâm tạo đột phá

Qua rà soát điều kiện thực tế và trước quyết tâm rất cao của tập thể lãnh đạo huyện Phú Lương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương xây dựng Phú Lương đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2024; giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ huyện hoàn thành mục tiêu quan trọng này.

Phú Lương phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% xã có sản phẩm OCOP. Trong ảnh: Khách tham quan một gian trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện tại một hội chợ.
Phú Lương phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% các xã có sản phẩm OCOP. Trong ảnh: Khách tham quan gian trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện tại một hội chợ.

Tỉnh cũng giao các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ huyện thực hiện quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan để hoàn thành mục tiêu xây dựng thị trấn Đu đạt tiêu chí đô thị loại IV theo quy định.

Tỉnh sẽ căn cứ vào khả năng cân đối thu, chi ngân sách giai đoạn 2021-2025 và các quy định hiện hành để xem xét, bố trí vốn đầu tư Dự án đường vành đai 1 kết nối hai huyện Phú Lương và Đồng Hỷ vào năm 2024. Đồng thời hỗ trợ hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo quy định để sớm triển khai Tiểu dự án 5 - Dự án nâng cấp, mở rộng hai tuyến đường giao thông kết nối huyện Phú Lương với huyện Định Hóa.

Phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với quảng bá các di tích lịch sử - văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống đã và đang được huyện quan tâm. Trong ảnh: Mô hình du lịch cộng đồng ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh.
Phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với quảng bá các di tích lịch sử, văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống đã và đang được huyện quan tâm. Trong ảnh: Mô hình du lịch cộng đồng ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh cân đối nguồn lực đầu tư, xem xét, bố trí hỗ trợ kinh phí theo quy định để nâng cấp, mở rộng, sửa chữa 19,6km đường huyện, với tổng mức đầu tư khoảng 46 tỷ đồng; bổ sung đầu tư các hạng mục thuộc Dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Phú Lương (giai đoạn 2) đạt chuẩn vào năm 2024, với tổng kinh phí khoảng 18 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí để huyện trang bị xe chở rác, xây dựng lò đốt rác, đảm bảo hoạt động thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn, đáp ứng tiêu chí về môi trường trong xây dựng huyện nông thôn mới...