Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2024. Những ngày này, nông dân trên địa bàn TP. Thái Nguyên đang hối hả xuống giống, chăm sóc hoa để kịp bán trong dịp Tết. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năm nay thời tiết tương đối thuận lợi, cây hoa có điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt.
Bà Trần Thị Thủy, ở tổ 14, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) chăm sóc ruộng hoa cúc dành để bán trong dịp Tết. |
Những địa phương có diện tích trồng hoa lớn trên địa bàn TP. Thái Nguyên gồm: Túc Duyên, Huống Thượng, Linh Sơn…, với tổng diện tích gần 70ha, cung ứng số lượng hoa khá lớn cho thị trường, nhất là vào dịp Tết đến, Xuân về.
Dạo quanh khu vực tổ 14, phường Túc Duyên, chúng tôi thấy người dân đang tập trung trồng, chăm sóc nhiều loại hoa khác nhau, trong đó chiếm số lượng lớn là hoa cúc, lyly, đồng tiền, loa kèn…
Đang xới đất để đặt bầu hoa lyly, ông Nguyễn Thanh Nghị, một người trồng hoa ở tổ 14, chia sẻ: Đây là giống lyly chanh Hà Lan, cây ngắn ngày, chỉ trồng khoảng 2,5 tháng là cho thu hoạch. Do vậy, sau khi trồng trong kho lạnh được nửa tháng, đến nay chúng tôi mới đem ra trồng ngoài ruộng.
Giống hoa lyly đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc, nhưng lợi nhuận thu được cũng khá nếu dịp Tết thời tiết thuận lợi, se lạnh. Tính bình quân, với 2 sào hoa lyly (khoảng 10 nghìn cây), gia đình tôi có thể cho thu lãi tới 150-200 triệu đồng - ông Nghị cho biết thêm.
Còn theo một số nông dân khác trong vùng, trong số các loài hoa, lyly khó trồng hơn. Đất chuẩn bị trồng hoa phải tơi xốp, độ ẩm vừa phải. Trong quá trình cây sinh trưởng, hoa lyly đòi hỏi đất phải luôn giữ độ ẩm ổn định, nếu tưới quá nhiều nước cây dễ thối gốc, nhưng ít nước cây sẽ còi cọc.
Ngoài lyly, nhiều năm nay, người dân ở phường Túc Duyên trồng nhiều loại hoa cúc khác nhau. Vào dịp Tết, bà con thường cắt bông hoặc đặt cây vào chậu để bán với giá 3-5 nghìn đồng/bông, 70-100 nghìn đồng/chậu 10-12 cây.
Chị Trần Thị Thủy, cũng là một người trồng hoa ở tổ 14, cho biết: Thời gian sinh trưởng của hoa cúc thường là 4-5 tháng. Do vậy, từ giữa tháng 9, gia đình tôi đã xuống giống. Thời gian này, khi cúc sinh trưởng được nửa chu kỳ, tôi bắt đầu bấm tỉa nụ, chỉ giữ lại nụ chính để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa. Giai đoạn này cũng cần đặc biệt chú ý đến sâu bệnh để có biện pháp chủ động phun phòng trừ, nhất là bệnh nấm.
Ngoài phường Túc Duyên, bà con ở các xã Huống Thượng, Linh Sơn… cũng đang tất bật với việc trồng, chăm sóc hoa Tết. Nhiều hộ không chỉ dày công chăm sóc mà còn đầu tư điện thắp sáng xuyên đêm để cây phát triển nhanh.
Anh Dương Văn Bằng, ở xóm Cậy, xã Huống Thượng, chia sẻ: Mục đích của việc thắp sáng bằng bóng điện là nhằm kéo dài thời gian sinh trưởng của cây hoa, hạn chế ra nụ sớm, điều chỉnh thời gian nở, tăng độ đồng đều và chất lượng của hoa, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời điểm thắp điện chủ yếu vào giai đoạn cây non (7-10 ngày sau trồng). Ngoài ra, chúng tôi còn thắp điện vào giai đoạn khi cây đã ra nụ để hạn chế hoa nở sớm.
Theo kế hoạch, vào khoảng đầu tháng 12 Âm lịch, người dân sẽ bắt đầu cắt hoa đem bán. Nhiều tiểu thương cũng đến tận vườn thu mua hoa cắt cành và chậu hoa. Theo nhận định của người dân, năm nay thời tiết rét muộn hơn mọi năm, có mưa nhiều hơn nên thuận lợi cho cây hoa trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển.
Ngoài ra, theo dự báo, vào thời điểm Tết, thời tiết sẽ lạnh nhiều hơn, giúp cho hoa nở thắm, không nở sớm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua khảo sát, nhiều hộ trồng hoa bán dịp Tết trên địa bàn TP. Thái Nguyên có thể thu từ 200-500 triệu đồng/vụ. Sau khi trừ các chi phí, bà con thu lãi từ 100-300 triệu đồng/vụ (tùy loại hoa, diện tích trồng)...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin