Với ý chí, khát vọng tự tạo dựng tương lai, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã chủ động, sáng tạo, quyết tâm lập nghiệp từ những mô hình kinh tế gắn với sản xuất nông nghiệp ngay tại quê nhà. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 100 mô hình như vậy.
Mô hình trồng dưa lê, dưa hấu của anh Lý Trung Hiền, ở xóm Nà Lom, xã Phúc Chu (Định Hóa) cho thu nhập khoảng 450 triệu đồng/năm. |
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (năm 2017) và lần thứ XII (năm 2022) đã triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên, gồm: Đồng hành với thanh niên trong học tập; Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần.
Trong đó, chương trình Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã tạo nhiều cơ hội cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận các chế độ, chính sách, học hỏi những mô hình hay, cách làm hiệu quả để áp dụng vào thực tế.
Đơn cử như mô hình trồng dưa lê và dưa hấu của anh Lý Trung Hiền, ở xóm Nà Lom, xã Phúc Chu (Định Hóa) đang tạo việc làm cho 6 lao động địa phương. Năm 2020, anh Hiền được Huyện đoàn hướng dẫn thủ tục vay 100 triệu đồng theo Chương trình vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội để khởi nghiệp.
Từ số vốn ban đầu, anh Hiền trồng dưa lê theo hướng hữu cơ, tập trung vào chất lượng và xây dựng thương hiệu nông nghiệp sạch. Thời điểm đó, các mô hình nông nghiệp sạch trên địa bàn huyện rất ít ỏi.
Anh Hiền chia sẻ: Tôi chia diện tích trồng dưa thành các khu nhỏ để thuận lợi chăm sóc và thu hoạch. Cùng với đó, tôi tuân thủ 5 tiêu chí: không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng và không sử dụng phân bón hóa học. Sau một thời gian canh tác hiệu quả, tôi đã nâng diện tích trồng dưa lê lên 10 sào và trồng thêm dưa hấu, với tổng sản lượng trên 5 tấn/vụ.
Hiện nay, với giá dưa lê siêu ngọt 30.000 đồng/kg và dưa hấu 20.000 đồng/kg, mô hình của anh Hiền cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/vụ (3 vụ/năm).
HTX chè Công Tâm Minh Đức, ở xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) do anh Thạch Thọ Công làm Giám đốc hiện đang giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và hơn 30 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: T.L |
Cũng lựa chọn mô hình trồng rau hữu cơ để khởi nghiệp, anh Hoàng Mạnh Tuấn, ở xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng (Võ Nhai) đã thu được những "trái ngọt" đầu tiên. Anh Tuấn cho biết: Từ lâu, tôi đã mơ ước phát triển một thương hiệu rau hữu cơ của riêng huyện vùng cao Võ Nhai. Với số vốn 500 triệu đồng ban đầu, tôi đầu tư hệ thống nhà lưới với diện tích 1.500m2 để trồng các loại rau, củ, quả, như ớt chuông, cà chua socola, cải bó xôi, cải cầu vồng, cải chíp...
Cùng với nỗ lực của bản thân, anh Tuấn cũng được Huyện đoàn kết nối, tư vấn về kỹ thuật, hướng đi để trồng cây gì đạt hiệu quả cao, đồng thời hỗ trợ quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ rau hữu cơ. Năm 2023, ước tính anh Tuấn thu được khoảng 4,8 tấn rau, củ, quả, thu nhập đạt khoảng 240 triệu đồng/năm.
Vừa qua, với đề tài “Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất phân vi sinh từ phân chuồng và ứng dụng vào trồng rau ăn lá theo hướng hữu cơ”, anh Tuấn đã tham gia cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên dân tộc thiểu số huyện Võ Nhai" và xuất sắc giành giải Nhất.
Đây chỉ là 2 trong số gần 100 mô hình phát triển kinh tế gắn với nông nghiệp của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, phong trào "Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp" đã được Tỉnh đoàn triển khai sâu rộng đến các cấp bộ Đoàn.
Theo đó, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tổ chức được 353 hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho 150.000 lượt đoàn viên, thanh niên; duy trì hiệu quả 141 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế và 11 câu lạc bộ đầu tư, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, với sự tham gia của 2.622 thành viên.
Từ chăn nuôi gia cầm, gia đình anh Nguyễn Văn Thìn, ở xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương) có thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí đầu tư). Ảnh: T.L |
Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức 203 lớp tập huấn, đào tạo nghề cho 132.455 lượt đoàn viên, thanh niên; tổ chức 84 hoạt động trang bị kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 10.200 lượt đoàn viên, thanh niên; trên 30.000 lượt thanh niên được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó có gần 15.000 thanh niên có việc làm ổn định. Phong trào đã tạo được sức lan tỏa trong đoàn viên, thanh niên... Từ đó xuất hiện những tấm gương thanh niên đi đầu trong khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin