Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Mặc dù vậy, bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, do đó để hoàn thành mục tiêu đề ra, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương.
Xưởng may áo veston xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. |
Kịch bản điều hành: GDP tăng trưởng 6%-6,5%
Chính phủ nhận định tình hình thế giới, khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch Covid-19 còn tác động kéo dài. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài. Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định…
Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát còn lớn; sản xuất kinh doanh dự báo còn khó khăn; nhu cầu các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam tiếp tục suy giảm.
Những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý dứt điểm; các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế…
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo chủ đề "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững.
Về phương hướng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đều nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó lưu ý đến các giải pháp thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; nhấn mạnh vấn đề an ninh năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, sớm có giải pháp để ưu tiên thu hút đầu đầu tư và đẩy nhanh các dự án xanh... Đáng lưu ý, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều nêu bật các giải pháp nhằm tận dụng những thành tựu lớn về ngoại giao kinh tế của năm 2023 với hai nhóm giải pháp quan trọng là tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo và đào tạo nguồn nhân lực. Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đề ra 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Căn cứ chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng GDP tương ứng với GDP tăng trưởng 6% và 6,5%.
Kịch bản 1: Để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 6%, tăng trưởng GDP quý I phải đạt 5,2%, quý II đạt 5,8%, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,5%, tăng trưởng GDP quý III đạt 6,2%, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 5,7%, tăng trưởng quý IV đạt 6,5%.
Kịch bản 2: Để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 6,5%, tăng trưởng GDP quý I phải đạt 5,6%, quý II đạt 6,2%, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,0%, tăng trưởng GDP quý III đạt 6,7%, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,2%, tăng trưởng quý IV đạt 7%.
Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng
Đánh giá năm 2024 là một năm không mấy dễ dàng với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng vì những khó khăn trong nội tại nền kinh tế từ năm 2023 vẫn tiếp tục kéo dài, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2024.
Theo đó, ở kịch bản thấp, tăng trưởng GDP đạt 5,5% với mức tăng trưởng theo cơ cấu ngành kinh tế gồm khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,21%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 5,44%; khu vực dịch vụ tăng 6,26%.
Kịch bản cơ sở (kịch bản dễ xảy ra nhất), tăng trưởng GDP đạt 6% với mức tăng trưởng theo cơ cấu ngành kinh tế gồm khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,45%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 5,71%; khu vực dịch vụ tăng 7,02%.
Kịch bản cao, tăng trưởng GDP đạt 6,5% với mức tăng trưởng theo cơ cấu ngành kinh tế gồm khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 3,61%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng 6,67%; khu vực dịch vụ tăng 7,16%.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thọ, đại diện Nhóm nghiên cứu của CIEM lưu ý trong các động lực tăng trưởng, các đầu tàu tăng trưởng truyền thống như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng chậm dần trong khi đã xuất hiện một số đầu tàu mới như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa nhưng còn ít và chưa thực sự mạnh mẽ.
Để đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024, Nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất Chính phủ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh.
Đồng thời tập trung phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ.
Trong Báo cáo nghiên cứu kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, Tiến sĩ Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD... đều hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 xuống thấp hơn so với năm 2023, tăng khoảng 2,4-2,9%.
Điểm tích cực là lãi suất sẽ giảm khi lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (xuống mức khoảng 3,5% từ mức 5,5% năm 2023), qua đó sẽ kích thích đầu tư và tiêu dùng tăng dần trở lại.
Đối với Việt Nam, năm 2024 kinh tế vĩ mô trong nước dự báo sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức. Với đà phục hồi kinh tế và nỗ lực, quyết liệt hơn nữa của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, dự báo kinh tế Việt Nam 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2023 với 3 kịch bản tăng trưởng:
Kịch bản cơ sở: Tiếp nối đà phục hồi nửa cuối năm 2023, sự gia tăng hiệu quả của các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) kết hợp với khả năng phát huy các động lực tăng trưởng mới (khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tư nhân, tăng năng suất, liên kết vùng…), dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6-6,5%.
Kịch bản tích cực: Trong điều kiện môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi hơn, các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và kiểm soát tốt; các động lực tăng trưởng được khai thác, phát huy tốt hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố...; tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5-7%.
Kịch bản tiêu cực: Nếu các rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, các nền kinh tế lớn phục hồi chậm , xung đột địa chính trị leo thang, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế của Việt Nam, trong khi các động lực tăng trưởng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 chỉ đạt khoảng 5-5,5%.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin