Xác định chè là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, những năm qua, người dân xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) đã chủ động đưa các giống chè lai vào trồng, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Người dân xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) thu hái chè. |
Ông Đặng Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, thông tin: Xã có 6 xóm thì có 5 làng nghề chè, làng nghề chè truyền thống, với tổng diện tích 297ha chè. Trong đó chè kinh doanh là 291ha. Cây chè có mặt tại địa phương từ lâu và đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập cao cho người dân từ khoảng 10 năm trở lại đây.
Để tạo điều kiện giúp người dân nâng cao thu nhập từ cây chè, hằng năm, UBND xã phối hợp với đơn vị chức năng của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về trồng, chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn thủ tục thành lập HTX, thúc đẩy liên kết giữa các hộ dân trong làng nghề…
Cùng với đó, xã khuyến khích người dân chuyển đổi các diện tích chè già cỗi sang trồng những giống mới có năng suất, chất lượng cao; xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng an toàn, đáp ứng yêu cầu của thị trường…
Riêng trong giai đoạn 2021-2023, người dân trong xã đã cải tạo 20ha chè già cỗi bằng các giống chè lai cho năng suất cao (như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI777…). Đến nay, các giống chè lai chiếm 80% tổng diện tích chè của xã. Nhờ các giải pháp đồng bộ, chất lượng sản phẩm chè được nâng lên, giá bán chè thành phẩm cũng tăng, đạt bình quân 250-300 nghìn đồng/kg chè ché búp khô.
Không chỉ sản xuất chè theo phương pháp truyền thống, trên địa bàn xã Hòa Bình hiện có 200ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó, 62ha đã được cấp giấy chứng nhận. Năm 2023, xã có 2 sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao.
Là một trong hai đơn vị có sản phẩm đạt OCOP 3 sao, ông Đoàn Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình (xóm Trung Thành) cho biết: Để có được sản phẩm OCOP, bên cạnh duy trì sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX cũng đầu tư 130 triệu đồng xây dựng xưởng, mua sắm các thiết bị sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến chè. Bên cạnh đó, HTX được UBND xã quan tâm hỗ trợ 92 triệu đồng để in bao bì, tem mác và hướng dẫn hoàn thiện thủ tục, hồ sơ sản phẩm…
Còn chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Sản xuất TNTea, chia sẻ: Trước đây, tôi mở xưởng sản xuất chè thô thông thường nên giá bán trung bình chỉ đạt 150-200 nghìn đồng/kg. Năm 2023, nhận thấy xã có vùng chè nguyên liệu rộng lớn và người dân có kinh nghiệm sản xuất chè an toàn, tôi đã thành lập Công ty và liên kết các hộ dân để sản xuất, chế biến chè.
Cùng với xây dựng vùng chè nguyên liệu 17ha đạt chuẩn VietGAP, Công ty CP Thương mại và Sản xuất TNTea cũng chú trọng khâu sản xuất, đầu tư bao bì, nhãn mác, đóng gói sản phẩm. Qua đó giá trị sản phẩm chè được nâng lên, hiện nay giá bán dao động từ 150 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng/kg. Năm 2023, Công ty có sản phẩm Trà TN GABA được công nhận OCOP 3 sao.
Với việc không ngừng nâng cao chất lượng, kỹ thuật canh tác, năm 2023, sản lượng chè búp tươi của xã Hòa Bình đạt 3.516 tấn (tăng trên 200 tấn so với năm 2020). Qua đó đem lại nguồn thu đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 42 triệu đồng/người/năm (tăng 4 triệu đồng so với năm 2020).
Nói về định hướng phát triển cây chè trong thời gian tới, ông Đặng Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, cho biết: Xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chè, xây dựng, quảng bá thương hiệu chè Hòa Bình. Đồng thời tạo điều kiện để người dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè của địa phương...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin