Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Bình Sơn

Minh Phương 14:11, 01/02/2024

Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh theo chuỗi liên kết, xây dựng sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng… là những giải pháp được xã Bình Sơn (TP. Sông Công) tập trung thực hiện trong thời gian qua. Từ đó nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng hoa mộc của gia đình anh Bùi Văn Thái, ở xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) được nhiều khách hàng biết đến và thường tìm chọn mua những cây ưng ý.
Mô hình trồng hoa mộc của gia đình anh Bùi Văn Thái, ở xóm Bá Vân 2, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) được nhiều khách hàng biết đến và thường tìm chọn mua những cây ưng ý.

Đến thăm vườn cây cảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Khiêm, xóm Bình Định 2, xã Bình Sơn chúng tôi như bị "hút hồn" bởi các thế cây được tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo của ông. Ông Khiêm chia sẻ: Trước đây, thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào gần 1ha chè trung du, năng suất chè không cao nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Do vậy, năm 2015, tôi quyết định tìm hiểu và chuyển đổi sang trồng cây cảnh.

Trên diện tích 7.000m2, ông Khiêm đã san gạt đất, rồi đầu tư giàn tưới, mái che, phân bón và mua một số loại cây cảnh dễ chăm sóc về trồng thử nghiệm. Dần dần, ông tích lũy cho mình một số kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh, rồi tự mày mò chọn giống, chăm sóc, tạo dáng, uốn tỉa cành, đặt tên cho các dáng cây đã hoàn thiện. Hiện tại, khu vườn của gia đình ông có hàng trăm cây cảnh, với nhiều loại cây được thị trường ưa chuộng như: đỗ quyên, mộc, nhài, mẫu đơn, mít cảnh, nho thân gỗ… Từ cây cảnh, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng, gấp 2-3 lần so với trồng chè.

Không chỉ gia đình ông Khiêm, một số hộ dân khác trong xã cũng đã đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất sang trồng cây cảnh. Từ một vài hộ ban đầu, đến nay xã đã thành lập được HTX hoa cây cảnh Bình Sơn, với 9 thành viên. Ngoài ra, HTX còn liên kết với hơn 30 hộ dân trên địa bàn để phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh.

Ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Sơn cho biết: Nghề trồng hoa, cây cảnh là nghề mới xuất hiện ở địa phương, nhưng mang lại giá trị kinh tế cao, với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/hộ/năm, đồng thời tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ dân trong vùng.

Còn tại xóm Tiền Tiến, HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè được thành lập từ năm 2019, với 19 thành viên, trong đó có 10 thành viên chính thức tham gia làm du lịch cộng đồng. Ông Bùi Văn Tứ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX thông tin: Hiện nay, HTX cung cấp 7 nhóm dịch vụ, bao gồm điều hành tour du lịch, dịch vụ du lịch, lưu trú, vận tải… Đặc biệt, du khách đến với điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè sẽ được khám phá và trực tiếp chứng kiến quy trình sản xuất, chế biến và thưởng thức chè tại vùng chè hữu cơ của HTX xã chè Cao Sơn, thuộc xóm Khe Lim.

Việc làm du lịch cộng đồng đã góp phần thay đổi tư duy của những người nông dân địa phương. Họ đã mạnh dạn tham gia, chủ động học hỏi thêm nhiều kỹ năng để sẵn sàng đón nhận và tổ chức chương trình cho những đoàn khách lớn, kể cả với du khách quốc tế tới tham quan, trải nghiệm. 

Nói về việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh theo chuỗi liên kết tại địa phương, ông Đồng Đức Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Hiện nay, xã đã thành lập được 6 HTX. Các HTX đều hoạt động hiệu quả và giữ mối liên kết với nhiều hộ dân trong vùng.

Việc liên kết giữa các hộ dân đã khắc phục được nhược điểm của quy mô kinh tế hộ nhỏ lẻ, phát huy được các lợi thế, thế mạnh của kinh tế HTX, tạo mô hình phát triển kinh tế bền vững, có nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 42,5 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, sự liên kết này đã tạo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững...