Từ đầu năm đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi (có mưa, độ ẩm cao), các ngành, đơn vị, địa phương và người dân trong tỉnh đã tích cực triển khai trồng cây phân tán và trồng rừng tập trung vụ xuân theo đúng thời vụ; phấn đấu hoàn thành kế hoạch cả năm trong tháng 3 tới.
Năm nay, gia đình ông ng Hoàng Ngọc Sơn, xóm Na Chạng, xã Bàn Đạt (Phú Bình) đăng ký trồng gần 2.000 cây cây keo tai tượng. |
Năm 2024, xã Bàn Đạt (Phú Bình) có kế hoạch trồng 20ha rừng sản xuất. Từ đầu tháng 1 đến nay, người dân đã bắt đầu triển khai trồng rừng vụ xuân. Ông Đặng Khắc Đoan, Phó Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt, cho biết: Những tháng cuối năm 2023, sau khi khai thác gỗ xong, bà con đã tiến hành xử lý thực bì và cuốc hố; chủ động liên hệ đặt mua cây giống tại các cơ sở ươm có uy tín, chủ yếu là các giống keo. Ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đã bắt đầu trồng rừng và đến nay đã trồng xong khoảng 1/3 diện tích theo kế hoạch.
Ông Hoàng Ngọc Sơn, xóm Na Chạng, xã Bàn Đạt cho hay: Gia đình tiến hành xử lý thực bì, đào hố và đặt mua cây giống từ tháng 12-2023. Những ngày vừa qua, tranh thủ thời tiết có mưa, ẩm nên tôi đã bắt đầu trồng với số lượng gần 2.000 keo tai tượng. Cây giống tôi đặt mua tại một cơ sở ươm giống trên địa bàn huyện Đồng Hỷ.
Cùng với xã Bàn Đạt, các địa phương khác trong tỉnh cũng đang nhộn nhịp triển khai trồng cây phân tán và trồng rừng tập trung. Ông Hạc Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Lam Vỹ (Định Hóa), cho biết: Lam Vỹ hiện có hơn 1.000ha rừng sản xuất. Vụ xuân năm nay, toàn xã trồng khoảng 90ha rừng, chủ yếu là cây keo và quế. Ngay từ trong Tết, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tập trung trồng rừng đúng thời vụ và quan tâm chăm sóc những diện tích rừng trồng từ 1-2 năm trước.
Trồng rừng không chỉ góp phần nâng cao độ che phủ mà còn giải quyết việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Do vậy, để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng rừng trồng, lực lượng kiểm lâm các huyện, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn hướng dẫn bà con cách trồng, kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo trồng đúng thời vụ với từng loại cây trồng; tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống tại 100 vườn ươm giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm nay, tỉnh có kế hoạch trồng 3.400ha rừng tập trung (trong đó có 120ha rừng phòng hộ và 3.280ha rừng sản xuất) và 1,19 triệu cây xanh phân tán, đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 46% và tổng sản lượng khai thác gỗ trong trồng rừng tập trung và phân tán đạt 285 nghìn m3 gỗ.
Nét mới trong công tác trồng rừng năm nay là việc trồng rừng sẽ kết thúc sớm. Những năm trước đây do việc thiết kế, khai thác muộn nên đã kéo theo việc trồng rừng đến tận tháng 5 mới hoàn thành. Nhưng năm nay, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy nhanh quá trình thiết kế, khai thác và xong từ tháng 12-2023. Nhờ vậy đã đẩy nhanh tiến độ trồng rừng tập trung, dự kiến sẽ trong xong trong tháng 3. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ trồng rừng tập trung, năm nay cũng là năm đầu tiên ngành nông nghiệp tổ chức Tết trồng cây bằng việc hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trồng rừng tập trung, nhằm phát triển kinh tế gia đình.
Ông Lê Cẩm Long, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gia đoạn 2021-2025; Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ... Chúng tôi đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức lựa chọn loài cây trồng phù hợp, tăng tỷ lệ giống từ mô, hom, cây rừng đa tác dụng, cây dược liệu kết hợp dưới tán rừng. Khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin