Thị trấn Quân Chu hôm nay

Vi Vân 11:23, 16/02/2024

Sau 1 năm sáp nhập, thị trấn Quân Chu đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở; tăng cường đoàn kết trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; hoàn thiện hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế… đáp ứng với điều kiện thực tế và nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng địa phương trở thành động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phía Nam của huyện Đại Từ.

Tuyến đường trục chính ở các tổ dân phố của thị trấn Quân Chu được quan tâm, đầu tư nâng cấp, mở rộng. Trong ảnh: Tuyến đường tổ dân phố 9 được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2023.
Tuyến đường trục chính ở các tổ dân phố của thị trấn Quân Chu được quan tâm, đầu tư nâng cấp, mở rộng. Trong ảnh: Tuyến đường tổ dân phố 9 được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2023.

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 2-2023, xã Quân Chu được sáp nhập vào thị trấn Quân Chu. Thị trấn Quân Chu sau khi sáp nhập có diện tích tự nhiên 53,18km2; quy mô dân số trên 8.000 người. Ông Đặng Hoàng Nhâm, Chủ tịch UBND thị trấn Quân Chu cho biết: Xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu trước đây có nhiều điểm tương đồng về thổ nhưỡng, khí hậu, tiềm năng phát triển du lịch… Tuy nhiên, tập quán sinh hoạt của người dân ở 2 địa phương có sự khác nhau. Chính vì thế, sau khi sáp nhập xã vào thị trấn, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có. Tổ chức các hoạt động văn hoá có sự phối hợp, tham gia của người dân ở 2 địa phương. Tạo mọi điều kiện để thu hút các nhà đầu tư đến tìm hiểu, triển khai các dự án nhằm đưa thị trấn Quân Chu trở thành đô thị phát triển mạnh mẽ khu vực phía Nam của huyện.

Nếu như trước đây, xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu chủ yếu phát triển cây lúa và chè, thì nay với gần 300ha diện tích đất dành cho trồng cây ăn quả, thị trấn Quân Chu đã tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn, vốn là thế mạnh của 2 địa phương. Ông Trần Thanh Bình, ở tổ dân phố 9, thị trấn Quân Chu cho hay: Gia đình tôi hiện có khoảng 7.000m2 đất, tất cả để trồng chuối tiêu hồng và quất. Trung bình mỗi năm, tôi có thêm thu nhập từ 150-200 triệu đồng từ hai loại cây trồng này.

Vườn chuối của ông Trần Thanh Bình, tổ dân phố 9 hàng năm cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng.
Vườn chuối tiêu hồng của ông Trần Thanh Bình, tổ dân phố 9 hàng năm cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng.

Phấn khởi trước sự đổi thay của thị trấn Quân Chu sau khi sáp nhập, ông Triệu Văn Dũng, Tổ trưởng tổ dân phố Vang, nói: Sáp nhập xã vào thị trấn Quân Chu là chủ trương đúng đắn, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hiện, tổ dân phố có 85 hộ dân,  chủ yếu là ồng bào dân tộc Dao và Sán Dìu. Thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ… ở địa phương, chúng tôi luôn tạo điều kiện để người dân được giao lưu, tiếp xúc với bà con ở các tổ dân phố khác trên địa bàn nhằm tạo sự giao thoa văn hoá, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó.

Với diện tích tự nhiên được mở rộng và vị trí “cửa ngõ” phía Nam của huyện Đại Từ, thị trấn Quân Chu đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch; phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện triển khai một số quy hoạch chi tiết. Nhờ đó, đã thu hút các nhà đầu tư xây dựng khu trung tâm thị trấn Quân Chu, khu dân cư số 5, khu dân cư số 6, sân golf… Sau 1 năm sáp nhập, bộ máy chính quyền của thị trấn Quân Chu đã hoạt động ổn định, tạo thuận lợi cho người dân giải quyết thủ tục hành chính. Các công trình đường giao thông, trường học, trạm y tế… cũng được quan tâm đầu tư, cải tạo. Nhận thức của người dân (đặc biệt là trên 73% người dân tộc Dao ở xã Quân Chu trước đây) ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/người/năm (cao hơn 10 triệu đồng so với thu nhập bình quân đầu người của xã Quân Chu trước đây)…

Với 19 tổ dân phố, trên 2.240 hộ dân, việc sáp nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu hoàn toàn phù hợp với thực tiễn tại địa phương, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả của chính quyền cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đồng thời, đảm bảo sự đồng nhất về văn hoá, tín ngưỡng, dân tộc, phong tục, tập quán… Qua đó, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có để thực hiện mục tiêu “Xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra.