Tháng Giêng đã qua nhưng sắc Xuân còn hiển hiện ở khắp mọi nơi. Nét Xuân vẫn đọng trên những ruộng lúa mới cấy hay bừng lên lộc búp ở khắp các đồi chè trên địa bàn tỉnh. Dù không phải là vụ sản xuất chính, năng suất không cao nhưng chè xuân lại được nhiều người ưa chuộng, có lẽ là bởi trong từng búp chè, người ta có thể nếm đủ sắc - hương - vị của mùa Xuân.
Người dân xóm Khe Lim (xã Bình Sơn, TP. Sông Công) thu hái chè xuân. Ảnh: Duy Phương |
Sau một thời gian “nghỉ đông”, chắt chiu dưỡng chất, những búp chè non xanh, với hương thơm đặc trưng của mảnh đất “Đệ nhất danh trà” đua nhau đâm chồi nảy lộc. Những ngày này, ở khắp các địa phương trong tỉnh, chúng ta dễ dàng bắt gặp màu xanh mởn mởn của chè xuân. Trên các đồi chè, thi thoảng lại bắt gặp từng tốp nông dân đang chăm sóc, thu hái chè. Tiếng nói cười rôm rả khắp cả vùng chè nhưng không khí làm việc vẫn khẩn trương, hối hả.
Đang nhanh tay hái những búp chè non đầu tiên của năm, bà Đỗ Thị Nhị (xóm Đông Thắng, xã Bình Long, Võ Nhai) bảo: Nhà tôi trồng chè từ năm 2021, với 6 sào chè cành giống LDP1. Cây chè đem lại thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng ngô, đỗ tương, lại có thể “rải việc” trong cả năm nên phù hợp với gia đình ít lao động như nhà tôi. Từ Tết Dương lịch, tôi đã bắt đầu đốn chè để ra Xuân cây nảy nhiều búp mới. Chè xuân tuy búp thưa, nhưng lại xanh non mỡ màng, chất lượng búp tốt. Mỗi ngày hái được 15-16kg chè tươi, tôi rải ra chế biến ngay trong buổi tối. Chè khô thời điểm này đang có giá 120 nghìn đồng/kg, trong khi chính vụ chỉ đạt từ 70-100 nghìn đồng/kg.
Nếu như ở Võ Nhai, giá trị sản phẩm chè còn thấp, thì nơi cây chè có giá trị cao nhất phải là vùng chè đặc sản Tân Cương. Anh Long Văn Đoài, xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Thời tiết năm nay lạnh hơn, nhưng lại có nhiều ngày mưa phùn nên chè ra búp khá đều. Qua rằm tháng Giêng trời vẫn rét nhưng nhiệt độ đã có phần tăng, các vườn chè ra búp rất đẹp. Hiện, gia đình tôi có 1ha chè và đang thu hái lứa đầu tiên trong năm. Chè xanh hái về được đưa vào chế biến ngay để giữ được hương vị đặc trưng. Chè xuân khi pha nước có màu xanh và hương thơm hơn các vụ khác nên nhiều khách hàng sành chè thường thích uống loại này. Nhờ đó mà chè xuân thường có giá cao hơn so với chè chính vụ. Hiện, nhà tôi đang bán tại chợ với giá từ 330-380 nghìn đồng/kg chè búp khô.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hàng chục năm làm nghề chè, anh Dương Quang Phú (ở xóm Trại Cài, xã Minh Lập, Đồng Hỷ) đúc rút được kinh nghiệm làm chè xuân là phải đốn cây từ sớm. Theo anh Phú, nếu đốn muộn quá, chè vụ xuân sẽ bị ảnh hưởng năng suất, chất lượng. Vì sau khi đốn, cây chè cần một quãng thời gian để hồi phục. Nhờ căn thời gian chuẩn, hơn 12ha chè của Hợp tác xã (HTX) chè Sáo Thịnh do anh Phú làm chủ vừa ra Tết đã đua nhau nảy lộc. Các thành viên HTX phải chia tổ để hái cho kịp búp non, sau đó bón phân vi sinh để đón lứa chính vụ.
Còn tại HTX chè sạch Đạt Phát, ở xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh (Phú Lương), rót mời chúng tôi chén trà xuân sóng sánh, anh Vũ Thành Thơm, Giám đốc HTX, nói: Năm vừa qua, lần đầu tiên HTX thử nghiệm trồng chè theo hướng hữu cơ và đã thu được những kết quả bước đầu. Sang năm nay chúng tôi tiếp tục triển khai với quy trình sản xuất, đánh giá chặt chẽ hơn. Vì vậy, dù mới là vụ chè đầu tiên trong năm, nhưng các thành viên HTX cũng tất bật.
Thành viên Hợp tác xã chè sạch Đạt Phát (ở xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh, Phú Lương) chế biến chè. |
HTX chè sạch Đạt Phát có 7 thành viên chính thức và 30 hộ liên kết, với vùng nguyên liệu chè VietGAP rộng 15ha. Để có những sản phẩm chè chất lượng, đạt tiêu chuẩn, các hộ liên kết đã cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đốn, bón phân, chăm sóc, thu hái chè đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn.
Bình quân mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của HTX đạt 175 tấn, tương đương khoảng 35 tấn chè búp khô, với các sản phẩm đa dạng như trà móc câu, trà tôm nõn, trà đinh được đóng gói, đóng hộp lịch sự, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Sau khi thu hoạch lứa đầu, các thành viên HTX sẽ tập trung chăm sóc, bổ sung đủ nước, phun chế phẩm sinh học phòng sâu bệnh để cây chè sinh trưởng và phát triển tốt và dự kiến khoảng hơn 10 ngày nữa sẽ thu hái lượt 2.
Cũng theo anh Thơm: Mặc dù chỉ đạt 50% sản lượng so với chè chính vụ nhưng chè xuân được nhiều khách hàng ưa chuộng và đặt hàng từ rất sớm. Đặc biệt, năm nay, HTX còn có thêm sản phẩm Chè Đinh Đạt Phát đạt OCOP 4 sao và trà tôm nõn được công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu nên lượng khách đặt mua chè xuân đã tăng từ 20-30%. Đây là bước khởi đầu để trong năm 2024 HTX tiếp tục có thêm sản phẩm tham gia chương trình OCOP và hướng tới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Với 22,7 nghìn héc-ta, Thái Nguyên là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước, sản lượng đạt gần 245 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng chủ yếu rơi vào chính vụ, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 11 hằng năm.
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân mở rộng diện tích trồng chè cũng như đầu tư chế biến, quảng bá thương hiệu.
Cụ thể như: hỗ trợ máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ; hỗ trợ nông dân liên kết trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; cấp mã số vùng trồng; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ...
Với những nỗ lực này, tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273 nghìn tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng.
Trong nắng Xuân ấm áp, từng đồi chè đang "cựa mình" thức giấc sau những ngày tháng lạnh giá. Những đồi chè xanh trải dài ngút tầm mắt, được chăm sóc tỉ mỉ đã tạo nên bức tranh Xuân tươi đẹp, trù phú cho mảnh đất Thái Nguyên. Bên chén trà nóng tỏa hương thơm ngát, vị ngọt hậu đặc trưng của lứa chè búp đầu tiên trong năm cũng là sự khởi đầu đầy hứa hẹn cho một năm thắng lợi của người làm chè Thái Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin