Năm 2024, Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.055.400 tỷ đồng (tăng 8,5% so với năm 2023). Mặc dù bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong 2 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh vẫn tăng 5,87% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Sản xuất dây điện cao áp cho xe ô tô tại Công ty TNHH Hansol Harness Vina (Khu công nghiệp Sông Công II). |
Đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng chỉ số IIP của tỉnh trong 2 tháng đầu năm nay là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 6,09% so với cùng kỳ); tiếp đến là nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (tăng 13,17% so với cùng kỳ). Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp tăng cao có thể kể đến đến là: Mạch điện tử tích hợp 49,7 triệu cái (tăng 12%); camera truyền hình 23,4 triệu cái (tăng 83,8%); thiết bị và dụng cụ khác trong y khoa 332 triệu cái (tăng 10,2%)...
Sở dĩ chỉ số IIP những tháng đầu năm khởi sắc là do kinh tế toàn cầu từng bước hồi phục, nhất là đơn hàng xuất khẩu được cải thiện từ quý IV-2023. Nhờ đó, nhiều DN đã ký được các đơn hàng với số lượng lớn, giá trị kinh tế cao ngay từ đầu năm 2024. Đơn cử như tại Công ty TNHH Wiha Việt Nam (chuyên sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay để xuất khẩu châu Âu, Mỹ, Canada, Trung Đông, Châu Á ....). Hiện nay, Wiha đã có đủ đơn hàng sản xuất đến hết quý II/2024 với số lượng trung bình 200 nghìn kìm, 1 triệu đầu tua-vít các loại/tháng. Để đáp ứng số lượng của các đơn hàng, kể từ tháng 2, hơn 50% người lao động của công ty đã tăng ca trở lại. Hay như đối với Công ty TNHH Dowooinsys Vina (sản xuất phụ kiện cho điện thoại di động thông minh), năm nay, Công ty phấn đấu sản xuất và tiêu thụ khoảng 3,8 triệu sản phẩm. Nhờ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ giữa tháng 1 năm nay, Dowooinsys Vina đã có đơn hàng đến hết quý II/2024. Hiện tại, người lao động của đơn vị cảm thấy rất phấn khởi vì được tăng ca để có thêm thu nhập.
Sản xuất thép tại Công ty CP Cán thép Thái Trung. |
Theo đánh giá của Sở Công Thương, chỉ số IIP của tỉnh trong 2 tháng đầu năm nay tăng 5,87% là tín hiệu lạc quan, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2024. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, năm 2024, ngành công nghiệp của cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng dự báo tiếp tục gặp nhiều thách thức. Cụ thể là kinh tế toàn cầu hồi phục nhưng với tốc độ rất chậm - nhất là ảnh hưởng từ việc tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cả từ phía cung và cầu của nền sản xuất thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam. Sức mua trong nước vẫn sẽ hồi phục chậm, việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của DN còn gặp nhiều khó khăn. Trước khó khăn gặp phải, các DN thận trọng với kế hoạch sản xuất, đồng thời thích ứng bằng các giải pháp tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ; cơ cấu hóa, đa dạng hóa sản phẩm, mặt hàng; đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, cải tiến dây chuyền sản xuất...
Đại diện Công ty CP Nhiệt điện An Khánh thông tin: Để hoàn thành mục tiêu sản xuất 800 triệu kwh (tương đương doanh thu 1.605 tỷ đồng) vào năm 2024, Công ty đang tập trung vào các giải pháp nâng cao công nghệ sản xuất; đồng thời đề nghị các bộ, ban, ngành tháo gỡ một số vướng mắc (kịp thời ban hành phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia hàng tháng sát với tình hình huy động nguồn thực tế; Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam bảo đảm cung cấp than cho sản xuất của nhà máy...). Hay như đối với các DN sản xuất may xuất khẩu như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco, Công ty CP may Thành Hưng... đã và đang tích cực tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiêu thụ sang các nước Nga, Hàn Quốc và một số nước châu Á khác...
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, để đồng hành, hỗ trợ các DN, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả hơn các Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện Quyết định số 71/QĐ-TTG ngày 17/01/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTG ngày 18/01/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập Cụm công nghiệp An Khánh 1, điều chỉnh quyết định thành lập Cụm công nghiệp Phú Lạc 2, Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương; mở rộng Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương; tiếp tục cải cách hành chính, đảm bảo công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục theo thẩm quyền; tăng cường đối thoại với DN để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các DN thực hiện chuyển đổi số, thương mại điện tử...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin