2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025), là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Thái Nguyên xác định khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ đẩy mạnh phát triển đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Những kết quả tăng trưởng trong 3 năm qua, đặc biệt là quý I/2024 cho thấy kinh tế Thái Nguyên có nhiều khởi sắc.
Tuyến đường nối ĐT.261 - ĐT.266 (giai đoạn 1) đang được triển khai sẽ kết nối các khu công nghiệp của TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình. Ảnh: Nguyên Ngọc |
Hiện thực hóa các mục tiêu phát triển
Thái Nguyên luôn xác định rõ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hút, lan tỏa và là "đầu kéo" cho toàn vùng trong phát triển kinh tế, liên kết xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất. Bước vào thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Thái Nguyên chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Với sự quyết tâm cao, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, Thái Nguyên đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa duy trì ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Trong các cuộc họp, lãnh đạo tỉnh đều quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm điểm các ngành, địa phương về đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tại các phiên họp UBND tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng đều nhấn mạnh, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh liên kết vùng; tăng cường hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Với những giải pháp đồng bộ của tỉnh, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của đại dịch COVID-19 nhưng kinh tế của tỉnh trong năm 2021 vẫn đạt tăng trưởng dương 6,53%, gấp hơn 2,5 lần mức tăng trưởng của cả nước. Tuy không đạt kế hoạch đề ra (tăng 7%) nhưng đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,59%, vượt kế hoạch đề ra là 8%.
Năm 2023, Thái Nguyên tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng dương ở mức 5,01%. Kết thúc năm 2023, lần đầu tiên Thái Nguyên đạt được số thu cao và lọt vào danh sách 18 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi ngân sách và có một phần nhỏ điều tiết về Trung ương.
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt trên 27,1 tỷ USD giúp Thái Nguyên liên tục giữ vững vị trí đứng thứ 4 cả nước chỉ sau TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh về giá trị xuất khẩu. Thái Nguyên còn là điểm sáng về thu hút đầu tư vốn nước ngoài, với trên 200 dự án FDI, tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ USD. Công nghiệp đang trên đà phát triển nhanh, vững chắc và là thế mạnh, là trụ cột trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Ảnh: Thúy Hằng |
Duy trì tốc độ tăng trưởng cao
Năm 2024, Thái Nguyên xác định tiếp tục khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ đẩy mạnh phát triển đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực. Tỉnh phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt từ 123 triệu đồng/người trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 8,5%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5%.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nhất quán chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”, tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành, địa phương với các doanh nghiệp để xử lý kịp thời những vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch. Đồng thời,chuẩn bị các điều kiện, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài với công nghệ tiên tiến.
Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, trọng điểm là các dự án về giao thông như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; Dự án đường Vành đai V; Đường Vành đai I (đoạn Bờ Đậu, Phú Lương - Hóa Thượng, Đồng Hỷ)…
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu ngành theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, phát triển sản phẩm OCOP mới. Tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu, liên kết với các sàn thương mại điện tử, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn năm 2023. Song, từ những kết quả khả quan đã đạt được và động lực tăng trưởng của 2023, tin tưởng Thái Nguyên sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2024.
Trong quý I/2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 203 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và đạt 19,2% kế hoạch năm. Toàn tỉnh có 210 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 7,7%) với tổng số vốn đăng ký trên 2,2 nghìn tỷ đồng (tăng 53,4%) so với cùng kỳ năm 2023; 183 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin