Kinh tế số tạo bước đột phá

Nhị Hà 10:23, 02/01/2024

Báo cáo thường niên về kinh tế số (KTS) Việt Nam công bố mới đây cho thấy, Thái Nguyên là địa phương đứng thứ 2 toàn quốc về tỷ trọng KTS trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đạt mức 42,92%; nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế số ICT (công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông) lớn nhất cả nước. Điều này cho thấy bước phát triển mang tính đột phá về KTS của tỉnh trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Công ty CP Công nghệ số PRO (trụ sở tại phường Thuận Thành, TP. Phổ Yên) chuyên cung cấp phần mềm, ứng dụng quản trị và hỗ trợ doanh nghiệp đa đạng hóa kênh phân phối sản phẩm.
Công ty CP Công nghệ số PRO (trụ sở tại phường Thuận Thành, TP. Phổ Yên) chuyên cung cấp phần mềm, ứng dụng quản trị và hỗ trợ doanh nghiệp đa đạng hóa kênh phân phối sản phẩm.

Đồng hành với doanh nghiệp chuyển đổi số

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030, Thái Nguyên đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu phấn đấu cơ bản về KTS. Bên cạnh chỉ tiêu về tỷ trọng KTS trong cơ cấu GRDP, tỉnh vượt chỉ tiêu về tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực (đạt trên 10%); năng suất lao động bình quân tăng trên 10%/năm.

Toàn tỉnh hiện có 5.079 doanh nghiệp số, trong đó 324 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số, tư vấn giải pháp chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin.

Dự ước, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn trong năm 2023 đạt khoảng 815 nghìn tỷ đồng (tương đương 33,1 tỷ USD); trong đó, doanh thu sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học ước đạt 780 nghìn tỷ đồng, còn lại là sản xuất thiết bị điện.

Để có kết quả nổi bật nêu trên, Thái Nguyên đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực; từng bước ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… trong tổ chức quản lý, phát triển kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động phục vụ người dân.

Đồng thời, tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, từng bước thực hiện tái cấu trúc và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chị Lê Thảo Duyên, Giám đốc Công ty CP Công nghệ số PRO (phường Thuận Thành, TP. Phổ Yên), chia sẻ: Trên cơ sở chính sách ưu tiên, khuyến khích của chính quyền các cấp và xu thế phát triển nói chung, chúng tôi mạnh dạn khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số. Công ty chuyên cung cấp phần mềm, ứng dụng quản trị và hỗ trợ doanh nghiệp đa đạng hóa kênh phân phối sản phẩm. Từ khi thành lập tháng 9-2021 tới nay, chúng tôi luôn đạt tăng trưởng vượt kỳ vọng ban đầu.

Đồng hành với doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông đã, đang triển khai các hoạt động tư vấn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và các giải pháp trên nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ trên 4.100 lượt cài đặt bản quyền phần mềm quản trị doanh nghiệp, hóa đơn điện tử, quản lý nhà hàng, kế toán dịch vụ, chữ ký số; tổ chức hàng chục khóa đào tạo trực tiếp và trực tuyến cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Gần đây nhất, Sở Công Thương đã chủ trì tổ chức hội thảo kết nối doanh nghiệp với các sàn giao dịch điện tử năm 2023; hỗ trợ ứng dụng giải pháp kinh doanh trực tuyến, bàn giao 14 bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện khai thuế điện tử; 98% số doanh nghiệp đăng ký tài khoản nộp thuế điện tử; tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng qua hình thức điện tử đạt 100%.

Việc phát triển thương mại điện tử đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có hơn 2.700 sản phẩm cập nhật trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; đưa 72 sản phẩm nông nghiệp lên 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ sò. Phong trào livestream bán nông sản đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng.

Với sản phẩm chính là máy tính bảng và điện thoại thông minh, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT) có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế số của tỉnh.
Với sản phẩm chính là máy tính bảng và điện thoại thông minh, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT) có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế số của tỉnh.

Tiếp tục tiến nhanh và bền vững

Với sự phát triển nhanh chóng, KTS đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Theo đánh giá mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thái Nguyên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số năm 2022, trong đó KTS xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố (kết quả năm 2020 và 2021 của tỉnh lần lượt là 19/63 và 16/63 tỉnh, thành phố). Điều này khẳng định chuyển biến tích cực của tỉnh trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ cung ứng các dịch vụ để doanh nghiêp, người dân phát triển KTS. 

Trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh xác định một trong những đột phá phát triển là đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh cao.

Để cụ thể hóa đột phá phát triển trên, trong năm 2023, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Dự án rộng 200ha, tại phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên) và xã Nga My (Phú Bình). Mục tiêu của quy hoạch nhằm hình thành trung tâm về công nghệ, tạo hạ tầng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; hình thành trung tâm nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghệ thông tin, phục vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ; ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Cùng với đó là tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ trong và ngoài nước, góp phần xây dựng công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế trọng điểm, quan trọng của quốc gia.

Theo đánh giá, việc triển khai Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình sẽ góp phần tạo đột phát trong phát triển KTS của tỉnh. Cùng với đó, Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển KTS cốt lõi với các ngành sản xuất chính là điện tử, viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ thương mại điện tử; thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số...