Công nghiệp đã “vào đà”, chờ “bứt tốc”

Hồng Tâm 17:16, 31/12/2023

Sau một năm nỗ lực vượt khó, kinh tế Thái Nguyên đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, sản xuất công nghiệp dù không đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch nhưng đã có sự khởi sắc, với nhiều tín hiệu khả quan ở thời điểm cuối năm. Đây là nền tảng quan trọng để ngành Công nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế, phát triển bứt phá trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Khu Công nghiệp Sông Công 2 đang tiếp tục được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Ảnh: Quốc Tuân
Khu Công nghiệp Sông Công 2 đang tiếp tục được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Ảnh: Quốc Tuân

Nhiều tín hiệu khởi sắc

2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với sản xuất công nghiệp, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến khó lường. Những áp lực do vật tư đầu vào tăng, thiếu nguyên liệu, nhu cầu thị trường giảm, cung cấp điện không ổn định... khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm dừng hoạt động, thậm chí một số đơn vị phải giải thể. 

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành chuyên môn và các địa phương thành lập nhiều đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Qua đó nắm bắt những thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ, động viên doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Đồng thời tổ chức hội nghị đối thoại, bàn và thống nhất các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng. 

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các hội doanh nghiệp chủ động tổ chức nhiều hoạt động gắn kết doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn và các doanh nhân nhằm “mua cho nhau, bán cho nhau”, hỗ trợ thành viên vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đặc biệt, từng đơn vị, doanh nghiệp cũng phát huy sức mạnh nội lực, linh hoạt và sáng tạo tìm giải pháp phù hợp để vượt khó. Đáng chú ý là việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ; nâng cao năng lực quản trị, tổ chức lại hoạt động sản xuất một cách khoa học; chú trọng khâu thiết kế mẫu mã, đa dạng và làm mới sản phẩm; xây dựng chính sách bán hàng hợp lý, thường xuyên có đánh giá, phân tích thị trường… Từ đó duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Sản xuất thiết bị đúc kim loại tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (TP. Sông Công).
Sản xuất thiết bị đúc kim loại tại Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (TP. Sông Công).

Theo báo cáo, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 của tỉnh Thái Nguyên ước đạt 972,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,13% so với năm 2022. Kết quả tăng trưởng này tuy không đạt so với kế hoạch đề ra là 9,5%, nhưng diễn biến sản xuất cho thấy nhiều chuyển biến tích cực vào dịp cuối năm. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nhiệp (IIP) từ tháng 8 đến tháng 11-2023 liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước. Trong đó, IIP của tháng 11 có mức tăng cao nhất trong năm 2023 với 8,28%. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động cũng lớn hơn nhiều so với số đơn vị dừng hoạt động.

Ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, đánh giá: Những tháng cuối năm, sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Sản lượng và đơn hàng một số sản phẩm thuộc nhóm ngành chế biến, chế tạo dần tăng trở lại; sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tiếp sức để doanh nghiệp bứt phá

Sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Cùng với đó là nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công có tác động tích cực tới một số ngành như sắt thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…; nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến tín dụng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng đã phát huy hiệu quả, góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo động lực để phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Theo đánh giá, một trong những yếu tố quan trọng sẽ giúp sản xuất công nghiệp của tỉnh bứt phá là sự tham gia của các dự án đầu tư mới hoặc bổ sung vốn, mở rộng quy mô sản xuất các dự án hiện hữu.

Sản xuất sản phẩm may tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.
Sản xuất sản phẩm may tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Tính đến cuối năm, toàn tỉnh có 31 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký 209,9 triệu USD và 10 dự án tăng vốn với tổng quy mô 19,53 triệu USD. Thái Nguyên đã cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 10 dự án có vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách, với tổng số 7.000 tỷ đồng. Lũy kế tới nay, toàn tỉnh có 201 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 10,58 tỷ USD và 868 dự án vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn 162,7 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương: Công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên được dự báo có nhiều triển vọng tích cực trong năm 2024. Một số khu, cụm công nghiệp sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để đi vào hoạt động; nhiều doanh nghiệp hiện hữu ổn định sản xuất và mở rộng quy mô, trong khi một số nhà đầu tư có tiềm lực triển khai dự án mới...
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương: Công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên được dự báo có nhiều triển vọng tích cực trong năm 2024. Một số khu, cụm công nghiệp sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để đi vào hoạt động; nhiều doanh nghiệp hiện hữu ổn định sản xuất và mở rộng quy mô, trong khi một số nhà đầu tư có tiềm lực triển khai dự án mới...

Một trong những điểm nhấn quan trọng về thu hút đầu tư của tỉnh là việc Tập đoàn Trina Solar (Trung Quốc) vừa quyết định đầu tư thêm 420 triệu USD vào dự án thuộc lĩnh vực quang điện trên địa bàn. Ở Thái Nguyên, Trina Solar đã đầu tư 2 dự án trong Khu công nghiệp Yên Bình, với tổng số vốn đăng ký 478 triệu USD, là: Dự án Nhà máy phát triển năng lượng Trina Solar với mục tiêu sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời), tấm mô-đun năng lượng mặt trời; Dự án Công ty TNHH Trina Solar Wafer, sản xuất thanh Silic và tấm Silic đơn tinh thể.

Phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh: Thái Nguyên hoan nghênh Trina Solar mở rộng đầu tư và đề nghị doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh, sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tỉnh cam kết luôn đồng hành hỗ trợ để Tập đoàn triển khai Dự án...

Nhiều điều kiện thuận lợi và tín hiệu tích cực đã hiện hữu, để sản xuất công nghiệp bứt phá đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư thứ cấp; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để thúc đẩy sản xuất công nghiệp…

Tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV đã thống nhất thông qua các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, tỷ trọng ngành Công nghiệp - xây dựng chiếm 58,6% trong cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng trưởng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 8,5%. Tỉnh ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo; chú trọng phát triển công nghệ xanh…