TP. Thái Nguyên: Biến thách thức thành động lực phát triển

Chung An 09:44, 05/04/2024

Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội gặp không ít khó khăn. Cũng như nhiều địa phương khác, TP. Thái Nguyên coi khó khăn, thách thức là động lực để tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Lãnh đạo TP. Thái Nguyên kiểm tra tình hình triển khai dự án của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Lãnh đạo TP. Thái Nguyên kiểm tra tình hình triển khai dự án của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Năm 2024, TP. Thái Nguyên đề ra các chỉ tiêu chính trong phát triển kinh tế - xã hội: Tổng giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu tăng 10,5% (trong đó lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng 13%; công nghiệp - xây dựng tăng 10%; nông nghiệp, thủy sản tăng 4%); giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt đạt 170 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 38.800 tấn; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,45%, hộ cận nghèo còn 0,56%...

Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chức năng và các xã, phường xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện.

Cụ thể, đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển, tạo động lực thúc đẩy ngành Dịch vụ trở thành trụ cột dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư phát triển một số lĩnh vực nền tảng, mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, nâng cao chất lượng đào tạo lao động để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi, tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Ván ép Việt Bắc, phường  Phú Xá.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Ván ép Việt Bắc, phường Phú Xá.

Thu ngân sách là một trong những chỉ tiêu quan trọng được TP. Thái Nguyên nỗ lực triển khai thực hiện. Với mục tiêu thu ngân sách trên 3.580 tỷ đồng (trong đó, thu thuế, phí là trên 1.380 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất 2.200 tỷ đồng), thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân theo quy định; làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp trọng điểm về công tác thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý thu nợ và cưỡng chế thuế, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí.

Ông Trần Chí Dũng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Thái Nguyên, cho biết: Năm nay, chỉ tiêu thu ngân sách từ tiền đất cuả thành phố cao hơn 200 tỷ đồng so với 2023. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn thì đây là nhiệm vụ nặng nề với TP. Thái Nguyên. Đề góp phần đạt mục tiêu, chúng tôi đã tham mưu, xây dựng kế hoạch chi tiết, rà soát các khu vực dự kiến thu. Theo đó, dự kiến thu từ các dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước nợ tiền sử dụng đất từ năm 2023 là trên 472 tỷ đồng; thu từ các dự án khu dân cư, khu đô thị vốn ngoài ngân sách thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khoảng 120 tỷ đồng; từ quỹ đất thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để bán đấu giá quyền sử dụng và tái định cư khoảng 724 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trong lĩnh vưc nông nghiệp, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con gieo trồng đúng khung thời vụ; tập trung các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng; vận hành các công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

Riêng đối với chè - cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, thành phố chỉ đạo rà soát quỹ đất để tiếp tục trồng mới, trồng lại với những diện tích kém năng suất; khuyến khích bà con mở rộng diện tích sản xuất theo quy trình VietGap, hữu cơ…

Ngoài ra, TP. Thái Nguyên chỉ đạo quan tâm phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại, tăng cường thông tin, truyền thông tạo sự đồng thuận xã hội.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tính đến hết quý I/2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của TP. Thái Nguyên đã đạt kết quả khả quan, đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt gần 11.000 tỷ đồng (tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 9.400 tỷ đồng, tăng 5,2%; thu ngân sách đạt gần 400 tỷ đồng, tăng 6,4%…

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung triển khai các dự án tạo quỹ đất để đấu giá thu tiền sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nhất là chính sách cho người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết việc làm cho người lao động…