Nông dân xã Tràng Xá (Võ Nhai) đã phủ xanh đồi núi trọc bằng cây rừng, chè và nhiều loại cây ăn quả. Ảnh: C.T.V |
Tràng Xá có hơn 9.000 nhân khẩu, trong đó hội viên nông dân là gần 1.000 người. Nhờ tích cực thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, chỉ còn 80 hộ hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo; hằng năm, có trên 400 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Nếu như ở các địa phương có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi, những con số đó có thể còn khiêm tốn, nhưng với Tràng Xá, phần lớn diện tích là đồi, núi, đất canh tác ít, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều… thì đó là kết quả rất đáng ghi nhận.
Chúng tôi tới xóm Chòi Hồng, nơi có 100% số dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Chòi Hồng nằm trong danh sách xóm đặc biệt khó khăn của Tràng Xá, bởi có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo là 100%. Nay, 400ha đất lâm nghiệp ở xóm đã được phủ xanh bằng cây rừng và cây ăn quả; nhiều con, em đồng bào dân tộc Mông trong xóm đi lao động ở các công ty, xí nghiệp... góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, nay xóm chỉ còn gần 30% số hộ nghèo.
Bà Dương Thị Dé, xóm Chòi Hồng, cho biết: Trước kia, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhưng nhờ tập trung vào phát triển kinh tế đồi rừng, cuộc sống đã ổn định và thoát nghèo. Giờ tôi đã xây được nhà cao cửa rộng, cuộc sống khấm khá dần.
Việc đầu tư vào trồng rừng đang là hướng phát triển kinh tế chủ đạo của bà con nơi đây. Kinh tế đồi rừng không chỉ mang lại sự ấm no cho người Mông ở Chòi Hồng, mà hầu hết các xóm, bản ở Tràng Xá, người nông dân không để đất trống, đồi núi trọc mà được phủ xanh bằng cây bạch đàn, keo… ở những diện tích đất đồi, núi cao, dốc; diện tích đất vùng thấp hơn, thuận tiện nguồn nước tưới, người dân trồng cây ăn quả như bưởi Diễn, na, nhãn, thanh long, chè…
Cây chè trên đất Tràng Xá. |
Dẫn chúng tôi ngược miền Đông Bo, đi tham quan các vườn cây và cánh rừng ngát xanh, anh Hoàng Văn Trường, lúc đó là Chủ tịch Hội Nông dân (đầu tháng 3 năm 2024 - P.V) tự hào lắm, bởi chúng tôi không ngớt lời khen ngợi cảnh đẹp và sự trù phú của quê hương anh. Anh bảo: Ở Tràng Xá, khoảng 65% số hộ dân sống bằng phát triển kinh tế đồi rừng và trồng cây ăn quả trên tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 1.900ha. Như gia đình tôi cũng trồng hơn 200 gốc buổi Diễn, 50 gốc bưởi Hoàng… Chúng tôi liên tục thay đổi cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu để mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao.
Hiện nay, Tràng Xá đang đưa vào trồng thử nghiệm 20ha cây quế, thay thế những diện tích trồng cây ăn qủa kém hiệu quả. Toàn xã có 220ha cây bưởi, 120ha cây na, 5ha thanh long…
Trồng rừng và cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân Tràng Xá, trong đó, nhiều nông dân vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có nguồn thu đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như gia đình ông Hoàng Văn Thế, xóm Thành Tiến; chị Chu Thị Miên, xóm Thắng lợi; anh Chu Thanh Phong, xóm Hợp Nhất…
Nghề trồng rừng phát triển kéo theo những cơ sở bóc gỗ ra đời, vừa giải quyết đầu ra cho sản phẩm rừng vừa giải quyết việc làm cho gần trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Toàn xã hiện có 7 cơ sở kinh doanh thu mua, chế biến gỗ (băm, bóc). Trong đó có 2 ông chủ gỗ đã nỗ lực vươn lên “chèo lái” cơ sở hoạt động hiệu quả, trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh là ông Vũ Đức Hoàn, xóm Thắng lợi và ông Dương Văn Đô, xóm Tân Thành.
Nhờ năng động trong cách nghĩ cách làm, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước khắc phục những khó khăn về địa hình, địa thế, nông dân Tràng Xá đã biết lựa chọn những loại cây, con phù hợp để phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng nguồn thu nhập, từng bước cải thiện đời sống. Hiện, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt gần 39 triệu đồng/người/năm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin