Cùng với nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Đại Từ chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành Công nghiệp - xây dựng, Thương mại - dịch vụ. Từ đó góp phần quan trọng tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Tỷ trọng ngành Công nghiệp - xây dựng hiện chiếm 75,8% trong cơ cấu kinh tế của huyện Đại Từ, tăng 1,6% so với năm 2019. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT - Chi nhánh Đại Từ gia công sản phẩm may xuất khẩu. |
Theo thống kê của UBND huyện Đại Từ, trong cơ cấu kinh tế của địa phương năm 2023, tỷ trọng ngành Công nghiệp - xây dựng chiếm 75,8% (tăng 1,6% so với năm 2019), ngành Thương mại - dịch vụ chiếm 7,43% (tăng 0,3%), ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 16,78% (giảm 1,9%). Đây là sự chuyển dịch tất yếu, phù hợp với định hướng xây dựng thị xã Đại Từ.
Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, cho biết: Để có sự chuyển dịch trên, thời gian qua, địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp thu hút các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ đầu tư vào địa bàn; ưu tiên phát triển, mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông ở những khu vực công nghiệp trọng điểm, tạo nền tảng cho sự phát triển của công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Cùng với đó, huyện cũng tập trung đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng đào tạo dưới nhiều hình thức, gắn phát triển nhân lực với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh phát triển thị trường, khuyến khích các tổ chức tìm kiếm cơ hội xuất khẩu… Qua đó tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho người lao động.
Ông Cao Việt Bách, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT Đại Từ, thông tin: Nhận thấy lợi thế về hạ tầng giao thông, lực lượng lao động dồi dào, sẵn có tại địa phương, năm 2019, đơn vị đã xây dựng nhà xưởng trên diện tích 5ha; đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại sản xuất hàng may mặc. Trung bình 1 năm, đơn vị sản xuất khoảng 7,5 triệu sản phẩm, xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu và Mỹ, tạo việc làm cho gần 1.100 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với phát triển công nghiệp - xây dựng, huyện Đại Từ cũng đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế từ nông nghiệp sang lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Hằng năm, địa phương đều ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thương mại; hoàn thiện các thủ tục để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ trung tâm, các siêu thị trên địa bàn…
Những năm gần đây, huyện Đại Từ chú trọng phát triển thương mại - dịch vụ. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại một cửa hàng thời trang ở thị trấn Hùng Sơn. |
Với 21 chợ đang hoạt động tại 17 xã, thị trấn, trong đó có 1 chợ hạng II và 20 chợ hạng III, huyện Đại Từ đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, giao cho doanh nghiệp kinh doanh, khai thác và quản lý. Nhờ đó các chợ trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng hạ tầng khang trang, đáp ứng các tiêu chí về văn minh thương mại, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Khai thác lợi thế về đường giao thông, khu vực trung tâm huyện và một số xã, thị trấn (như Tiên Hội, Hùng Sơn…) cũng đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ cấu kinh tế của huyện Đại Từ đã và đang chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả, góp phần tạo động lực tăng trưởng khá mạnh. Minh chứng là năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn huyện đạt hơn 12.064 tỷ đồng (tăng gần 3.000 tỷ đồng so với năm 2019); giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ đạt trên 1.182 tỷ đồng (tăng 310 tỷ đồng so với năm 2019); tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 634 tỷ đồng (tăng gấp gần 3 lần so với năm 2019).
Trung bình mỗi năm, địa phương đào tạo nghề cho khoảng 3.000 lao động, trong đó lao động có văn bằng, chứng chỉ chiếm tỷ lệ 34%. Số lao động được đào tạo tại các doanh nghiệp là 500 người. Lao động làm việc trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm đa số với 70,2%; lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,2%; lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 0,58% trong cơ cấu lao động… Qua đó góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2023 đạt gần 53 triệu đồng/người/năm.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mặc dù cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Đại Từ thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, song sự chuyển biến này vẫn còn chậm; ngành Công nghiệp mang hàm lượng công nghệ cao còn chưa nhiều... Chính vì thế, thời gian tới địa phương thực hiện các chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án trên địa bàn; đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin