Theo thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), lượng rác thải mỗi ngày của nước ta là gần 70.000 tấn. Lượng rác thải khổng lồ này đã, đang là gánh nặng với nhiều địa phương khi phải chi rất nhiều kinh phí để thu gom, vận chuyển, xử lý. Cùng đó là người dân sống gần các bãi rác tập trung luôn bức xúc vì ô nhiễm gây ra hàng ngày. Ngược lại, ở nhiều quốc gia trên thế giới, rác thải sinh hoạt lại là nguồn tài nguyên dùng để sản xuất điện, phân bón và các nguyên liệu tái tạo khác...
Mỗi ngày bãi rác Phúc Thành (Đồng Hỷ) tiếp nhận trên 35 tấn rác thải sinh hoạt thu gom từ 12 xã, thị trấn trong huyện. |
Chôn lấp là giải pháp lỗi thời
Như đã thông tin ở trên, lượng rác thải mỗi ngày ở nước ta thuộc nhóm lớn trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, trên 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý theo hướng chôn lấp. Cách xử lý này rất tốn kém vì cần nhiều quỹ đất để làm bãi rác nhưng vẫn gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện cả nước có trên 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó phần lớn chưa hợp vệ sinh nên gây ra nhiều hệ lụy.
Tại tỉnh Thái Nguyên vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt cũng vô cùng bức thiết vì số lượng rác không ngừng tăng trong khi điều kiện về nguồn lực đi kèm chưa đáp ứng được yêu cầu. Tại 3 đô thị của tỉnh là TP. Thái Nguyên và TP. Sông Công, TP. Phổ Yên vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt trở nên nóng bỏng khi chính quyền phải cấp kinh phí tăng hàng năm nhưng người dân sống quanh các bãi rác tập trung liên tục kiến nghị thu hẹp quy mô. Cá biệt, có một số người dân ở xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) có thời điểm đã tập trung đông người để ngăn cản xe tập kết rác. Đối với một số địa phương khác trong tỉnh, như: Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt, nhất là vào dịp trước, sau Tết Nguyên đán.
Người dân xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) ngăn cản vận chuyển rác tập kết tại địa phương. |
Lý do người dân sống quanh khu vực có bãi rác tập trung của cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng phản đối việc mở rộng quy mô bãi rác cũ hay xây dựng bãi rác mới vì quy trình xử lý rác vẫn theo phương pháp chôn lấp nên không giải quyết triệt để được vấn đề về môi trường. Riêng TP. Thái Nguyên đã thực hiện xã hội hóa để một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường xây dựng nhà máy xử lý rác bằng phương pháp đốt nhưng công suất nhỏ và chưa tận dụng được nguồn nhiệt sinh ra.
Thu được nhiều lợi ích từ... rác
Theo các kết quả nghiên cứu chuyên ngành, phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận chất thải sinh hoạt của Việt Nam chưa được phân loại tại nguồn nên trở thành hỗn hợp khó tận dụng những thứ có lợi. Cụ thể, trong rác sinh hoạt có thành phần hữu cơ cao từ 55% - 67%. Lượng chất hữu cơ này có thể tận dụng để sản xuất phân vi sinh. Cùng đó là trong rác thải sinh hoạt còn có các chất khác nhiệt hóa được để sản xuất điện.
TP. Thái Nguyên phải chi hàng chục tỷ đồng mỗi năm để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. |
Đơn cử, tại Mỹ rác thải mang lại lợi nhuận khi thu được 10,5 tỉ KWh điện/năm (đủ điện dùng cả năm cho hơn 800.000 hộ gia đình). Còn ở Đức tiết kiệm 3,7 tỉ Euro/năm nhờ tái chế và sản xuất năng lượng từ rác thải. Riêng Thụy Điển, nguồn nhiệt năng từ việc đốt rác cung cấp cho gần 10 triệu dân trong mùa đông và các chất hữu cơ tận được xử lý để trở thành phân bón sinh học, khí sinh học. Đài Loan (Trung Quốc) hay Nhật Bản cũng đã thúc đẩy các công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt và xuất khẩu công nghệ tái chế rác thải ra thế giới, thu hàng tỉ USD mỗi năm. Đối với nước ta, việc tận dụng nguồn rác thải cũng đã từng bước được hiện ở một số tỉnh, thành để làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất điện, phân bón và cho hiệu quả thiết thực. Về vấn đề này, tỉnh Thái Nguyên luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ đốt rác để sản xuất điện và sử dụng rác để thay thế than đá ở các cơ sở sản xuất có điều kiện cho phép nhưng mới dừng ở giai đoạn tham quan, nghiên cứu mô hình.
Hy vọng với quyết tâm của chính quyền các cấp, thời gian tới sẽ có nhiều cơ sở trong nước sử dụng rác thải sinh hoạt như là một loại tài nguyên phổ biến để tạo ra đa lợi ích phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin