Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp và đô thị là 1 trong 3 khâu đột phá được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Bình lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Để thực hiện hiệu quả khâu đột phá này, một trong những giải pháp then chốt được huyện quan tâm thực hiện là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông.
Các đơn vị chủ đầu tư và nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công đường Vành đai V nối từ huyện Phú Bình sang tỉnh Bắc Giang. Ảnh: N.N |
Trong những năm qua, huyện Phú Bình đã chỉ đạo thực hiện lồng ghép và sử dụng hợp lý vốn của Trung ương, tỉnh và nguồn lực của địa phương để xây dựng, cải tạo đường giao thông do huyện, xã quản lý. Theo đó, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, từ năm 2021 đến nay, huyện đã phân bổ trên 191 tỷ đồng thực hiện 23 công trình, dự án giao thông.
Trong 2 năm 2023 và 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương phân bổ trên 16.100 tấn xi măng và khoảng 67 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng giao thông.
Thực hiện phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm là chính”, cùng với nguồn đầu tư của Nhà nước, Phú Bình đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân chung tay xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là làm đường giao thông. Nhờ đó, tính từ năm 2023 đến nay, nhiều hộ dân đã đồng thuận hiến đất với tổng diện tích 82.000m2; di rời nhiều tài sản trên đất với giá trị ước tính khoảng 15 tỷ đồng.
Ngoài các tuyến đường do địa phương quản lý, Phú Bình còn tích cực phối hợp thực hiện các dự án giao thông quan trọng do tỉnh đầu tư, trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng. Nhằm đảm bảo tiến độ thi công, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Dự án đường nối Quốc lộ 37 đến cầu vượt sông Cầu có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. |
Ông Phạm Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Kim, cho biết: Tân Kim là 1 trong 3 địa phương trên địa bàn huyện được thụ hưởng Dự án đường nối giữa Quốc lộ 37 và ĐT.269B. Trên địa bàn xã có khoảng 360 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng của Dự án. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm phát triển quỹ đất và chủ đầu tư để tuyên truyền, giúp nhân dân nắm chắc chủ trương, tính cấp bách của Dự án; các chính sách của Nhà nước về thu hồi đất và hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Nhờ vậy, các hộ dân đều đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Trong giai đoạn 2019-2024, huyện Phú Bình đã đầu tư, xây dựng, nâng cấp trên 390km đường giao thông nông thôn. Qua đó góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, tăng tỷ lệ tuyến đường được cứng hóa. Hiện, 100% đường huyện, đường liên xã, trục xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; 97,4% tuyến đường trục xóm đã được bê tông hóa; đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 94,7%. Nhiều tuyến đường đã và đang được mở rộng từ 3m lên 5,5-7,5m.
Ngoài các tuyến đường do địa phương quản lý, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, trên địa bàn huyện cũng đang hình thành các tuyến đường kết nối giữa Phú Bình với các vùng kinh tế trọng điểm và liên kết giữa các xã trên địa bàn. Cụ thể như: Đường Vành đai V (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang); đường nối giữa Quốc lộ 37 và ĐT.269B; đường nối ĐT.261 và ĐT.266.
Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, khang trang không chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương ngày càng gia tăng của người dân mà còn là đòn bẩy để huyện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đến nay, huyện đã có 100% xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 13 xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trên các tuyến đường trục chính, số cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ ngày càng gia tăng với gần 9.500 cơ sở kinh tế cá thể phi nông, lâm, thủy sản. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ chủ yếu đạt gần 980 tỷ đồng (tăng 88,8 tỷ đồng so với năm 2022).
Tuyến đường kết nối giữa Quốc lộ 37 với đường tỉnh 269B đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Đường rộng mở cũng giúp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo lợi thế về thu hút đầu tư. Trên địa bàn đã được quy hoạch 6 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp (CCN). Trong đó, Khu công nghiệp Điềm Thụy và CCN Kha Sơn đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. CCN Bảo Lý - Xuân Phương và Hạnh phúc - Xuân Phương đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, thu hút doanh nghiệp.
Hoạt động của các khu, cụm công nghiệp đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 24.200 tỷ đồng, tăng 5,25% so với 2022; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/người/năm, tăng 12 triệu đồng so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo còn 3,03%, giảm 2,37% so với năm 2022.
Để phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024 và trở thành thị xã trước năm 2030, Phú Bình sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông. Cùng với đó, huyện cũng phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư các dự án đường kết nối của tỉnh để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công. Đặc biệt, sắp tới, những xã đăng ký nâng cấp, mở rộng mặt đường 7m, nền đường 9m, bên cạnh phân bổ vốn xi măng theo quy định, huyện sẽ hỗ trợ thêm một phần kinh phí.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin