Không nản trước thất bại

H.Đ 08:52, 10/07/2024

Từng có hàng trăm triệu đồng trong tay, rồi lại trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần, nhưng anh Hà Đức Diện (ở xóm Nà Giàm, xã Nghinh Tường, Võ Nhai) không nản chí. Anh tiếp tục nỗ lực vươn lên, đầu tư vào chăn nuôi “con đặc sản” với hy vọng làm giàu chính đáng.

Anh Hà Đức Diện (ở xóm Nà Giàm, xã Nghinh Tường, Võ Nhai) giới thiệu về mô hình nuôi dúi.
Anh Hà Đức Diện (ở xóm Nà Giàm, xã Nghinh Tường, Võ Nhai) giới thiệu về mô hình nuôi dúi.

Khởi nghiệp làm kinh tế, với bao nhiêu vốn liếng của gia đình tích góp được, cùng với vay mượn thêm ngân hàng, anh Hà Đức Diện xây dựng phòng hát karaoke. Sinh sống nơi rừng xanh, núi thẳm, người dân thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí, nay có quán hát karaoke mọc lên khiến nhiều người háo hức tìm đến. Nhưng niềm vui đối với gia chủ chưa được tày gang, khách hàng bắt đầu “hát nợ”. Vì nể và cũng không còn lựa chọn nào khác nên anh Diện hết lần này đến lần khác đành đồng ý.

Vừa đưa tôi đi thăm chuồng dúi, anh Diện vừa kể lại chuyện thất bại với giọng buồn buồn: Chị biết rồi đấy, nợ gì thì cũng khó đòi nhưng có lẽ nợ tiền hát thì khó đòi hơn cả. Khi họ vui, họ buồn, họ say… đều hát cho thỏa nỗi niềm, nhưng tỉnh táo lại rồi, phải trả tiền thì người nọ đùn đẩy cho người kia (trong nhóm bạn cùng hát - P.V) và cuối cùng là tôi mất luôn cả vốn. Không cho phép mình buồn lâu, tôi đã tìm cách làm ăn khác để khôi phục kinh tế.

Nhìn những phòng hát karaoke vẫn còn những mảnh mica xanh, đỏ trang trí giờ biến thành chuồng nuôi dúi, được ngăn thành những ô vuông nho nhỏ và tối om om, tôi cũng không khỏi ngậm ngùi, nhưng anh Diện lại thoáng nở nụ cười, rồi nói: Tôi hy vọng việc chăn nuôi sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ngoài dúi, anh Diện còn nuôi thử nghiệm thêm con đuông dừa, chim cút, gà “chạy bộ”… nếu thấy hiệu quả sẽ nhân đàn. Rời chuồng nuôi dúi, anh pha ấm trà nóng để chúng tôi cùng trò chuyện. Lúc này, tôi mới có thời gian quan sát kỹ hơn người đàn ông trước mặt. Anh Diện có thân hình rắn rỏi, gương mặt điển trai với đôi mắt sáng toát lên vẻ thông minh.

Anh cho biết: Trước kia, tôi tốt nghiệp hệ cao đẳng chuyên ngành luyện kim, đã làm công nhân cho một doanh nghiệp với mức thu nhập khá. Nhưng cảnh một chốn đôi nơi, xa vợ con thì có làm ra bao nhiêu tiền cũng khó giữ nên tôi quyết định về quê lập nghiệp. Thất bại khi mở quán hát karaoke, đang loay hoay chưa biết chuyển hướng thế nào nào cho phù hợp thì một lần lên rừng tôi bắt được một đôi dúi, mang về nuôi thấy thích nghi với môi trường chăn nuôi hộ gia đình; thịt dúi rất thơm ngon, có vị ngọt đậm. Tôi liền lên mạng tìm hiểu, thấy nhiều người đã thành công nhờ mô hình nuôi sinh sản và thương phẩm. Vậy là tôi quyết định sửa sang lại những phòng hát karaoke để nuôi dúi và về tận Phú Thọ mua con giống.

Ban đầu, anh Diện chỉ nuôi 2-3 đôi để tích lũy kinh nghiệm, đến nay, sau 3 năm gia đình đã phát triển lên hơn 100 đôi. Một năm, gia đình anh xuất bán 2 lần, mỗi lần trên dưới 30 đôi dúi (đực - cái). Trung bình mỗi năm dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 2-3 con. Nuôi từ 2-3 tháng có thể bán làm con giống; nuôi từ 6-7 tháng, đạt từ 1,2-1,5kg/con, thành dúi thương phẩm có giá trên 450.000 đồng/kg dúi thịt và khoảng 800.000 đồng/kg dúi giống.

Anh Diện cho biết: Dúi là loài dễ nuôi, có thể tận dụng nhiều loại thức ăn tại chỗ như rễ cây, tre, trúc, nứa, ngô hoặc phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, dúi hay bị bệnh đường tiêu hóa nên phải kiểm tra thường xuyên để xử lý kịp thời. Nguồn thức ăn phải được kiểm soát, chuồng trại phải luôn khô ráo, không được để lọt ánh sáng trực tiếp vào nơi nuôi dúi. Vào mùa Hè, để giảm nhiệt chuồng nuôi nên làm thêm hệ thống phun nước trên mái kết hợp với quạt gió. Dúi thuộc loài gặm nhấm, thường không nuôi nhốt chung cả đàn, tối đa 2 con/ô chuồng. Khi trưởng thành, dúi thương phẩm có thể tách riêng 1 con/chuồng.

Nghe anh nói về cách chăn nuôi dúi rất “thuộc bài”, tôi hiểu anh đã dồn vào đó nhiều tâm huyết. Tổng thu nhập từ chăn nuôi “con đặc sản” hiện đạt hơn 100 triệu đồng/năm, tuy chưa cao nhưng đó là tín hiệu vui đối với người đàn ông đã từng thất bại; hơn thế ở vùng quê còn nhiều khó khăn như Nghinh Tường thì mô hình chăn nuôi của gia đình anh Diện được xem là điểm sáng. Vợ anh Diện chăm chỉ trồng ngô, lúa trên 2 sào ruộng, đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Với đà này, chỉ cần anh tiếp tục nỗ lực và cố gắng, chúng tôi tin anh sẽ thành công hơn nữa.