Nâng tầm thương hiệu chè Phú Lạc

Hải Hằng 08:45, 29/07/2024

Thực hiện mục tiêu tạo dựng thương hiệu chè ở xã Phú Lạc (Đại Từ), người dân nơi đây đã lựa chọn hướng sản xuất sạch, áp dụng quy trình VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và đây là con đường đúng đắn, giúp sản phẩm chè của địa phương chinh phục thị trường trong nước, đem lại thu nhập tốt cho người dân.

Thành viên Hợp tác xã chè an toàn Sơn Thành kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Thành viên Hợp tác xã chè an toàn Sơn Thành kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Cây chè đã bén rễ ở vùng đất Phú Lạc vài chục năm trước, nhưng do trước đây, chè chưa được người dân chú trọng chăm sóc, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nên năng suất, chất lượng và giá bán đều thấp. Những năm gần đây, nhận thấy đây là cây trồng có tiềm năng phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác ở địa phương như: khoai lang, đỗ, lạc, sắn... nên Phú Lạc đã chú trọng phát triển cây chè theo hướng đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước tạo dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường.

Đồng chí Nguyễn Kim Chinh, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Nếu như trước đây, diện tích chè của người dân phần lớn là chè trung du, thì nay diện tích chủ yếu lại là các giống chè lai như: LDP1, Tri777, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên... Hiện, toàn xã có khoảng 400ha chè đang cho thu hoạch, trong đó có gần 300ha chè giống mới, chiếm 75% diện tích.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, xã cũng đã tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy sản xuất. Trước đây, cây chè sống "lay lắt" trên những vạt đồi, ít được chăm bẵm, nên năng suất thấp. Để nâng cao năng suất, chất lượng, xã đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Từ đó, bà con áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, bước đầu hình thành vùng sản xuất chè tập trung theo quy hoạch của xã.

Là một trong những đơn vị sản xuất chè có uy tín nhờ quy trình sản xuất an toàn, chất lượng vượt trội, vài năm gần đây, Hợp tác xã (HTX) chè an toàn Sơn Thành đã nhanh chóng chinh phục nhiều khách hàng. Các đại lý tiêu thụ chè của HTX liên tục được mở ở các tỉnh. Được thành lập năm 2011, với 7 thành viên, hiện nay, HTX đã liên kết với tổ làng nghề chè xóm Lũng 1, Lũng 2, với tổng diện tích gần 100ha.

Vùng chè nguyên liệu của Hợp tác xã chè an toàn Sơn Thành (xã Phú Lạc, Đại Từ) được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Vùng chè nguyên liệu của Hợp tác xã chè an toàn Sơn Thành (xã Phú Lạc, Đại Từ) được sản xuất theo hướng hữu cơ.

Chị La Thị Tâm, Giám đốc HTX, cho biết: Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, đơn vị đã canh tác theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, hướng hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, bản thân tôi và các thành viên HTX đều có sổ nhật ký nông hộ để ghi chép toàn bộ quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, thời điểm thu hái… nhằm theo dõi quá trình chăm sóc, phát triển của cây chè, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện, HTX sản xuất 7 sản phẩm chính, với giá thành từ 250.000 đồng/kg đến 1,8 triệu đồng/kg, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi đối tượng khách hàng. Trong đó có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao là Trà xanh Sơn Thành, Tôm nõn trà và Đinh Đinh trà.

Ngoài HTX chè an toàn Sơn Thành, đến nay, xã đã thành lập được thêm 2 HTX chè Đại Hà, Phương Đông. Cùng với lựa chọn giống chè, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thì khâu chế biến đã được các HTX và nhiều hộ dân ở đây đổi mới công nghệ, lắp đặt máy móc, dây chuyền máy móc hiện đại như: Sử dụng máy sao chè bằng điện, ủ hương bằng điện, máy hút chân không... thay thế phương pháp thủ công trước đây.

Nhờ không ngừng đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, từ khâu chế biến đến khâu đóng gói sản phẩm, nên sản phẩm chè Phú Lạc làm ra đều được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, tạo được thương hiệu trên thị trường.

Hiện nay, với diện tích khoảng 400ha, sản lượng đạt trên 3.400 tấn búp tươi/năm, cây chè đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân xã Phú Lạc. Từ cây chè, đời sống của người dân cũng từng bước được nâng lên, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 53 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2015, ngày càng có nhiều hộ khá, giàu.