Trái ngọt từ sự “đồng lòng - thông suốt”, kỳ 1: Thực hiện đồng bộ các khâu đột phá

Thúy Hằng 11:46, 08/08/2024

Nhìn lại kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Thái Nguyên tự hào đã "đánh thức" sức mạnh nội sinh, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trung tâm, "đầu tàu" trong phát triển kinh tế của vùng. Những kết quả đạt được là minh chứng rõ nét cho các quyết sách đúng đắn, kịp thời, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sự năng động, sáng tạo, linh hoạt và tận tâm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh, sự “đồng lòng”, “thông suốt” của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra 14 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Hơn 3 năm qua, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình trong nước và quốc tế cũng xuất hiện nhiều thách thức mới, biến động nhanh và phức tạp. Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, kịp thời của các cấp ủy đảng, sự điều hành năng động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của chính quyền các cấp, Thái Nguyên đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá, nỗ lực phấn đấu duy trì đà tăng trưởng cao...

Tỉnh đã quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa các khu công nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Mạnh Hùng
Tỉnh đã quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối giữa các khu công nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Mạnh Hùng

Phát triển cực tăng trưởng phía Nam tỉnh

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai cụ thể hóa 5 định hướng phát triển thành 12 chương trình, 32 đề án, 21 kế hoạch. 

Nhằm cụ thể hóa phương hướng phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định khu vực phía Nam và Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (bao gồm TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình và huyện Đại Từ) là khu vực có vai trò động lực của tỉnh, tập trung phát triển các hành lang kinh tế gắn với các trục giao thông chính, các trung tâm đô thị, vùng công nghiệp tập trung và khu vực dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, thể dục - thể thao.

Trên cơ sở định hướng đó, tỉnh đã quy hoạch các tuyến đường giao thông quan trọng, mang tính liên vùng tại khu vực phía Nam như: Đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; đường liên kết, kết nối tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang; đường Vành đai V vùng Thủ đô qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đường hồ Núi Cốc; đường Vành đai I, Vành đai II vùng tỉnh Thái Nguyên... 11 khu công nghiệp (KCN), 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245ha; 29/41 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1.662ha đã được quy hoạch tại khu vực phía Nam tỉnh.

Tuyến đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đi qua huyện Phú Bình được đầu tư xây dựng, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp nằm dọc tuyến. Ảnh: Mạnh Hùng
Tuyến đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đi qua huyện Phú Bình được đầu tư xây dựng, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp nằm dọc tuyến. Ảnh: Mạnh Hùng

Theo quy hoạch, cùng với TP. Sông Công và TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình được hợp thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với phát triển KT-XH của tỉnh. Một trong những khâu đột phá để sớm đưa Phú Bình trở thành thị xã là tập trung phát triển công nghiệp.

Đến nay, Phú Bình đã được tỉnh quy hoạch 6 KCN và 8 CCN với tổng diện tích gần 2.000ha; trong đó KCN Điềm Thụy (phần diện tích thuộc huyện Phú Bình 220ha) đã thu hút được 60 dự án, tạo việc làm cho hơn 16.000 lao động..

Đồng chí Nguyễn Thị Loan, Bí thư Huyện ủy Phú Bình, khẳng định: Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động. Huyện ủy giao UBND huyện và các cơ quan chuyên môn rà soát các tiêu chí để trở thành đô thị Phú Bình. Trong những năm qua, huyện đã tập trung các nguồn lực hoàn thành nhiều tiêu chí trong chương trình phát triển đô thị, trọng tâm là hạ tầng đô thị, phấn đấu 11 xã trở thành phường. 

Đối TP. Phổ Yên, dọc tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội được quy hoạch KCN - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên, KCN Yên Bình 2, KCN Yên Bình 3, Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Các tuyến đường cũng giúp kết nối sân gôn Glory tại xã Thành Công.

Trên địa bàn huyện Đại Từ, dọc Tuyến liên kết vùng được quy hoạch các CCN Quân Chu, Cát Nê - Ký Phú và 2 sân gôn tại thị trấn Quân Chu (Khu tổ hợp văn hóa thể dục thể thao sân gôn Quân Chu và Khu thể thao sân gôn tại thị trấn Quân Chu và xã Cát Nê), Khu du lịch hồ Núi Cốc…

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Cùng với việc lập quy hoạch, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thu hút các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp điện tử công nghệ cao; khuyến khích các nhà đầu tư trong nước tiếp tục phát triển các lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, cơ khí chế tạo, luyện kim…

Các thành phần kinh tế được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh để phát triển. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã cấp thành lập mới cho 3.193 doanh nghiệp (DN) với tổng số vốn đăng ký đạt 33.471 tỷ đồng. Tổng số DN trên địa bàn tỉnh đến nay 10.228 DN với tổng vốn đăng ký là 148.653 tỷ đồng.

Cùng với đó, tỉnh thu hút 130 dự án ngoài ngân sách trong nước. Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 890 dự án với số vốn đăng ký 186.557 tỷ đồng.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, gắn với nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI. 

Năm 2024, Công ty TNHH Mani Hà Nội đầu tư tăng thêm tại Nhà máy Phổ Yên 2 khoảng 30 triệu USD. Ảnh: Lăng Khoa
Năm 2024, Công ty TNHH Mani Hà Nội đầu tư tăng thêm tại Nhà máy Phổ Yên 2 khoảng 30 triệu USD. Ảnh: Lăng Khoa

Ông KAORU, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mani Hà Nội, thông tin: 6 tháng cuối năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư tăng thêm tại Nhà máy Phổ Yên 2 khoảng 30 triệu USD. Khi hoàn thành đầu tư, Công ty sẽ tuyển dụng thêm từ 500-700 nhân viên, nâng công suất tăng so với trước khi đầu tư mở rộng từ 30-40%. 

Với chính sách thông thoáng, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 133 lượt dự án, với tổng số vốn 2,74 tỷ USD; trong đó có một số dự án quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ cao, như: Dự án sản xuất lưới bóng chip bán dẫn của Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam năm 2022 (điều chỉnh tăng vốn thêm gần 1,2 tỷ USD), Dự án sản xuất thiết bị quang học của Công ty TNHH Trina Solar Wafer năm 2022 (số vốn đăng ký là 275 triệu USD và công ty TNHH Trina Solar Cell năm 2024 (số vốn đăng ký 454 triệu USD). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 220 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,26 tỷ USD...

Hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng

Từ thực tế có thể thấy, nhờ triển khai đồng bộ, sáng tạo nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn, nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng "bức tranh" tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên vẫn tiếp tục khởi sắc. Đến nay, 14 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra đã đạt những kết quả tích cực.

Từ năm 2021 đến nay, kinh tế tỉnh Thái Nguyên phục hồi và tăng trưởng tương đối cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 6,65%/năm, cao hơn 1,43% so với mức bình quân chung cả nước (chỉ tiêu đề ra 8%). 

Tỷ trọng ngành Nông nghiệp giảm dần trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, hướng đến xây dựng các vùng chuyên canh, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Ảnh: Mạnh Hùng
Tỷ trọng ngành Nông nghiệp giảm dần trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, hướng đến xây dựng các vùng chuyên canh, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Ảnh: Mạnh Hùng

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 7,5%/năm; quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 đạt mốc 972,7 nghìn tỷ đồng, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Quy mô xuất khẩu tiếp tục gia tăng, Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giá trị xuất khẩu. Từ 2021-2023, giá trị xuất khẩu hằng năm duy trì trong khoảng từ 26 - 30 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu đạt 15,4 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế phát triển, GRDP bình quân đầu người tăng cao, năm 2023 đạt 112,6 triệu đồng/người, cao hơn 10,5% so với mức bình quân chung cả nước, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 địa phương là: TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên, các huyện Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 118/126 xã đạt chuẩn NTM, bằng 93,65% tổng số xã.

Đặc biệt, từ năm 2023, Thái Nguyên là một trong 18 địa phương trong cả nước có điều tiết thu ngân sách về Trung ương. 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước đạt 9.228 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ, đạt 57,2% so với dự toán Chính phủ giao. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Đây là tiền đề vững chắc để Thái Nguyên quyết tâm phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2025

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đề ra 14 nhóm chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện đến nay như sau:

(1) Tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 6,65%/năm; 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,03% so với cùng kỳ (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 8%/năm).

(2) Cơ cấu kinh tế đến năm 2023: Công nghiệp, xây dựng: 58,1%; dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: 31,8%; nông, lâm nghiệp, thủy sản: 10,1% (mục tiêu đến năm 2025: Công nghiệp, xây dựng: 61%; dịch vụ: 31%; nông, lâm nghiệp, thủy sản: 8%).

(3) Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 7,5%/năm; 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,2% so với cùng kỳ (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 9%/năm trở lên).

(4) Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 4,17%/năm; 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,75% so với cùng kỳ (mục tiêu giai đoạn 2021- 2025 tăng 3,5%/năm).

(5) Tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 2%/năm (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 7%/năm); 6 tháng đầu năm 2024 tăng 19,2% so với cùng kỳ; liên tục thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu địa phương giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 13,6%/năm (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 11%/năm trở lên).

(6) Thu ngân sách nhà nước (không bao gồm thu tiền sử dụng đất và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết) giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 5,6%/năm (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân từ 10% trở lên). Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 18 tỉnh, thành phố trên cả nước tự cân đối thu chi và có điều tiết về ngân sách Trung ương.

(7) GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 112,6 triệu đồng/người, cao hơn mức bình quân chung cả nước (mục tiêu đến năm 2025 đạt 150 triệu đồng/người/năm).

(8) Xây dựng NTM: Đến nay, toàn tỉnh có 118/126 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 93,65% (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 95% số xã đạt chuẩn NTM); 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn NTM (mục tiêu có ít nhất 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn NTM).

(9) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2023 đạt 88,59% (mục tiêu đến năm 2025 đạt 90%). Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 8%, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

(10) Đến năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90%; xóm, phố văn hóa đạt 90%; cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đạt 92%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (mục tiêu đến năm 2025 đạt 90% gia đình văn hóa; 80% xóm, phố văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa).

(11) Tỷ lệ xã/phường/thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (theo bộ tiêu chí mới) đến năm 2023 đạt 62%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2023 đạt 95% (mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 98,5%).

(12) Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt 73% (mục tiêu đến năm 2025 đạt 75%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ năm 2023 đạt 36%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (mục tiêu đến năm 2025 đạt 32%).

(13) Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân 1,26%/năm (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 giảm bình quân từ 1% trở lên). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2023 đạt dưới 3%, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra (mục tiêu đạt dưới 3%).

(14) Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2023 đạt 47,08% (mục tiêu đến năm 2025 đạt từ 46% trở lên). Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến năm 2023 đạt 96,5% (mục tiêu đến năm 2025 đạt 98%).


(Còn nữa)