Năm nay, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ giao là trên 5.612 tỷ đồng; HĐND, UBND tỉnh giao trên 9.299 tỷ đồng. Với quyết tâm giải ngân đạt 100% vốn theo kế hoạch, tỉnh xác định phương châm “Triển khai tốt, giải ngân nhanh, điều hành linh hoạt”, thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và các tập thể, cá nhân liên quan...
Thi công cầu Kênh Chính trên đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang). |
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm đến hết tháng 8 đạt trên 2.993,3 tỷ đồng, trong đó thanh toán kế hoạch vốn năm 2024 là 2.785,5 tỷ đồng, đạt 49,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Việc giải ngân vốn đầu tư công không đạt kết quả như kỳ vọng là do một số dự án trên địa bàn gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, di chuyển hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chậm (đặc biệt là hạ tầng điện, viễn thông)…
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số dự án gặp vướng mắc trong thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, đánh giá tác động môi trường, chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh, cụ thể như: Dự án đường Vành đai I (đoạn Bờ Đậu, Phú Lương - Hóa Thượng, Đồng Hỷ) và tuyến tránh đô thị Hóa Thượng; xây dựng Khu công nghiệp Sông Công II - diện tích 250ha; xây dựng cầu An Long và đường kết nối tuyến đường tỉnh (ĐT) 270 với ĐT.261 huyện Đại Từ; xây dựng Sân vận động huyện Đại Từ (giai đoạn 1); tu bổ, tôn tạo di tích đền Lục Giáp (TP. Phổ Yên); tu bổ, tôn tạo di tích Nhà tù Chợ Chu, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa); hạ tầng Khu đô thị số 4 thị trấn Hương Sơn (Phú Bình); trụ sở làm việc công an xã, thị trấn giai đoạn 2021-2025…
Cùng với đó, một số dự án mới hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công, như: Đầu tư xây dựng cầu Quang Vinh 1, Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối phường Đồng Bẩm, phường Quang Vinh và xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên); đường kết nối ĐT.265 (xã Bình Long, huyện Võ Nhai) đi tỉnh Bắc Giang…
Tuyến đường nối ĐT.261 với ĐT.266 đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh được giao kế hoạch vốn trên 1.970 tỷ đồng, với 11 dự án (trong đó có 1 dự án kéo dài vốn từ năm 2023 chuyển sang). Tổng giá trị giải ngân vốn đến hết tháng 8-2024 là 628,2 tỷ đồng, đạt 31,9% kế hoạch vốn được giao. Ban làm chủ đầu tư nhiều dự án lớn như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang)…
Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do thời tiết từ đầu năm đến nay mưa rất nhiều (142/248 ngày mưa), làm gián đoạn thi công đào, đắp. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số địa phương có dự án, di chuyển hệ thống đường dây điện còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Ông Bùi Tiến Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, nhấn mạnh: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao giá trị giải ngân của các dự án. Đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Ban đều xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời.
Có mặt trên công trình tuyến đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang, chúng tôi nhận thấy mặc dù điều kiện thi công gặp khó khăn do mưa nhiều, song không khí lao động vẫn rất khẩn trương. Ông Lê Minh Hải, Đội phó Đội thi công thuộc Công ty CP Sông Đà 2, cho biết: Gói thầu của doanh nghiệp từ Km1+00 đến Km1+600 và cầu Kênh Chính. Doanh nghiệp tăng cường tập kết vật liệu để khi thời tiết thuận lợi thì triển khai thi công ngay, không lệ thuộc vào nguồn cung ứng từ các mỏ bên ngoài công trường. Đơn vị tổ chức thi công theo nhiều mũi với phương án “cuốn chiếu”, làm đến đâu xong đến đó.
Với nỗ lực, quyết tâm cao nhất để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, ông Bùi Tiến Chính cho biết thêm: Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị để triển khai thêm các mũi thi công; tăng ca, kíp thi công khi điều kiện thời tiết thuận lợi, hạn chế tối đa ảnh hưởng, phải dừng thi công, phải thi công lại sau những đợt mưa. Bảo đảm thi công đến đâu có sản phẩm đủ điều kiện nghiệm thu, thanh toán đến đó.
Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra tiến độ thi công, việc giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát ký cam kết về bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình, tiến độ giải ngân từng mốc thời gian cụ thể, phấn đấu đến hết quý IV giải ngân đạt 90% và hết tháng 1-2025 giải ngân 100% kế hoạch vốn theo quy định của năm tài chính 2024.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng Thái Nguyên quyết tâm triển khai quyết liệt, hiệu quả giải vốn đầu tư công năm 2024. Theo ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Sở luôn chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư để tham mưu cho UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo hướng chủ động, linh hoạt, công khai, minh bạch, đúng quy định. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư. Kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân chậm, không có nhu cầu vốn sang các dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bố trí thêm vốn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin