Mặc dù hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn khiến mực nước sông Cầu lên nhanh làm ngập úng diện rộng trên địa bàn TP. Thái Nguyên và một số huyện, thành phố trong tỉnh, song đến thời điểm này, các cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) vẫn duy trì hoạt động ổn định. Có thể khẳng định, mưa lũ không làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn và không tác động nhiều đến kế hoạch năm của toàn tỉnh.
Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh kiểm tra, động viên tại Nhà máy gạch Việt Ý trong thời điểm mưa bão. |
Những ngày vừa qua, mưa bão đã làm đổ gãy một số cây xanh, tường bao trong khuôn viên KCN và gây úng cục bộ, tạm thời. Tuy nhiên, ngay sau đó tình trạng này đã được khắc phục nên không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại các KCN.
Ghi nhận của chúng tôi, không có đơn vị, doanh nghiệp (DN) nào trong các KCN phải dừng hoạt động hoặc cắt giảm sản xuất vì mưa bão. Thực tế cho thấy, các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều được quy hoạch và xây dựng ở những vị trí thuận lợi về giao thông, khí hậu, thổ nhưỡng đảm bảo, ít bị tác động bởi thiên tai. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng hạ tầng, các KCN đều được tính toán cẩn thận về thông số kỹ thuật với cốt nền cao, hệ thống thoát nước tập trung đảm bảo…
Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Đơn vị thường xuyên chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa bão và nắm bắt chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kịp thời tổ chức triển khai công tác ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi được quản lý, không để bị động, bất ngờ. Ban đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong KCN để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó hỗ trợ nhanh chóng.
Ban Quản lý các KCN tỉnh chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư hạ tầng KCN cùng các DN tăng cường rà soát, bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kịp thời cảnh báo, thiết lập hệ thống an toàn đối với các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; triển khai kịp thời việc gia cố, sửa chữa, che chắn nhà xưởng, văn phòng, nhà kho, bãi chứa. Nhờ vậy, DN trong các KCN ở Thái Nguyên hoạt động bình thường trong thời tiết mưa bão. Số lao động đi làm trong các KCN đạt từ 90-95%.
Sản xuất điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (Khu công nghiệp Yên Bình). Ảnh: T.L |
Trong 8 tháng qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN KCN đạt doanh thu trên 21,4 tỷ USD, bằng 112,88% so với cùng kỳ năm trước, đạt 63% so với kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt gần 17 tỷ USD, bằng trên 111% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 16/8/2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp mới 16 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bằng 107% kế hoạch năm và bằng 72,73% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút vốn đăng ký đầu tư vào các dự án trong các KCN đạt gần 514 triệu USD, bằng 313% so với cùng kỳ năm trước, đạt 102% so với kế hoạch năm và gần 5.055 tỷ VNĐ, đạt 550% so với cùng kỳ năm trước, đạt 112% so với kế hoạch năm.
Trong tháng 8, các DN trong các KCN tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất công nghiệp của tỉnh, với việc duy trì đà tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh (IIP) tháng 8 tăng 0,77% so với tháng trước và tăng gần 10,9% so với cùng kỳ.
Sản xuất thanh silic đơn tinh thể và tấm silic đơn tinh thể tại Công ty TNHH Phát triển năng lượng Trina Solar (Khu công nghiệp Yên Bình). Ảnh: T.L |
Cùng với sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu trong 8 tháng năm 2024 tăng trưởng cao. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 20,25 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt 69% kế hoạch năm 2024.
Năm 2024, Thái Nguyên đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,5%. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 8,5%. Giá trị hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tăng 8%. Với sự nỗ lực, đồng hành của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của các DN, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được mức tăng trưởng cao, tiếp tục đóng vai trò “trụ cột”, là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên.
Có thể nói, với những ngày kể cả có bão lũ nhưng hoạt động sản xuất tại các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được sự ổn định đã cho thấy sự lựa chọn đúng đắn của các nhà đầu tư khi đến với Thái Nguyên, và chắc chắn cũng sẽ làm tăng thêm sức hút đối với các nhà đầu tư khác với tỉnh.
Tỉnh Thái Nguyên được quy hoạch 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung. Ảnh: T.L |
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên được quy hoạch 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, với tổng diện tích 4.245ha. Trên địa bàn tỉnh đã có 6 KCN được thành lập, trong đó 5 KCN đang duy trì hoạt động ổn định. Lũy kế trong các KCN, hiện có 312 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 175 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư 10,57 tỷ USD và 137 dự án DDI với số vốn đăng ký đầu tư 22.361 tỷ đồng. Đối với CCN, tỉnh có 27/41 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng, đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký đầu tư 10.368 tỷ đồng; trong đó có 11 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 63 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 9.493 tỷ đồng. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin