Phát huy hiệu quả quỹ tín dụng nhân dân

Minh Phương 08:12, 12/10/2024

Với cơ chế cho vay linh hoạt, thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh, những năm qua, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả, được người dân tin tưởng lựa chọn. Không chỉ trực tiếp huy động nguồn lực nhàn rỗi trong nhân dân, các QTDND còn giải quyết cho vay phục vụ sản xuất, tiêu dùng ở khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống  nhân dân…

Gia đình chị Nguyễn Thị Thu, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), được vay vốn của Quỹ tín dụng nhân dân Tân Cương để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến chè.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), được vay vốn của Quỹ tín dụng nhân dân Tân Cương để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến chè.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 QTDND với khoảng 4.900 thành viên. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng nguồn vốn của các QTDND đạt gần 319 tỷ đồng, tăng 15,96% so với cuối năm 2023 và tăng 12,94% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ cho vay đạt gần 300 tỷ đồng, tăng 6,29% so với cuối năm 2023. Nguồn vốn vay của các QTDND đã giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương.

Do cần vốn để đầu tư trang trại chăn nuôi bò, năm 2021, gia đình chị Nguyễn Thị Nga, ở tổ dân phố Cây Châm, thị trấn Đu, đã lựa chọn QTDND Phú Lương để đồng hành cùng gia đình trong phát triển kinh tế. Sau khi được Quỹ giải ngân 700 triệu đồng, cùng với các nguồn vốn huy động khác, gia đình chị đã đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng chuồng trại và nuôi 50 con bò sinh sản, 110 con bò 3B… Chị Nga cho biết: Thủ tục vay vốn của QTDND rất gọn và tiện lợi, chúng tôi không phải đi lại nhiều, lãi suất cũng phù hợp. Nguồn vốn vay đã giúp gia đình tôi có thu nhập đều đặn từ 500 triệu đồng/năm trở lên.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), là một trong những thành viên được vay vốn của QTDND Tân Cương để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến chè. Chị Thu chia sẻ: Thời gian giải ngân nhanh là lợi thế giúp những người nông dân như chúng tôi dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay từ QTDND. Hiện nay, với 1,2ha chè, đạt sản lượng khoảng 2 tấn búp khô/năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 500 đến 700 triệu đồng/năm…

Những năm qua, hàng nghìn hộ dân ở các địa phương trong tỉnh đã được tiếp cận nguồn vốn vay từ QTDND để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đánh giá của nhiều khách hàng, so với các ngân hàng thì lãi suất cho vay của QTDND cao hơn, song việc tiếp cận nguồn vốn này lại rất thuận lợi, thủ tục vay vốn nhanh, các thành viên vay vốn không phải chi phí bất cứ khoản nào. Đối với những thành viên uy tín, thường xuyên sử dụng nguồn vốn vay của QTDND thì việc vay vốn còn thuận tiện hơn.

Bà Hoàng Thị Hiển, Giám đốc QTDND Phú Lương, thông tin: Với lợi thế các cán bộ của QTDND đều là người địa phương nên việc thẩm định, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của các thành viên rất thuận lợi. Nhiều thành viên từ hơn chục năm qua thường xuyên sử dụng nguồn vốn vay của QTDND để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần cải thiện đời sống, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nga, ở tổ dân phố Cây Châm, thị trấn Đu, được vay vốn của Quỹ tín dụng nhân dân Phú Lương để đầu tư trang trại chăn nuôi bò.
Gia đình chị Nguyễn Thị Nga, ở tổ dân phố Cây Châm, thị trấn Đu, được vay vốn của Quỹ tín dụng nhân dân Phú Lương để đầu tư trang trại chăn nuôi bò.

Khi có vốn nhàn rỗi, nhiều hộ lại gửi vào QTDND để hỗ trợ các hộ khác có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nhờ đó đến nay, số thành viên tham gia các QTDND trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng; nguồn vốn hoạt động, vốn huy động, dư nợ cho vay năm sau đều cao hơn năm trước; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của các QTDND thường xuyên được tăng cường.

Các QTDND cũng luôn bám sát sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh để tổ chức hoạt động bảo đảm an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các thành viên, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, đẩy lùi nạn cho vay lãi nặng...

Ông Phan Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Tân Cương, chia sẻ: Đơn vị chúng tôi thường được coi là QTDND của người làm chè, hiện nay nguồn vốn cho vay chủ yếu phục vụ bà con ở làng nghề chè truyền thống xã Tân Cương. Chúng tôi mong muốn được mở rộng địa bàn hoạt động ra các xã lân cận (Phúc Xuân, Phúc Trìu) để cung cấp dịch vụ tín dụng cho người dân phát triển cụm làng nghề chè Tân Cương.

Còn bà Hoàng Thị Hiển, Giám đốc QTDND Phú Lương, kiến nghị: Địa bàn hoạt động của Quỹ là 3 xã, thị trấn (gồm Đu, Phấn Mễ, Động Đạt). Thực hiện kế hoạch điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, huyện Phú Lương sẽ sáp nhập 11 xóm của xã Phấn Mễ vào thị trấn Giang Tiên và 8 xóm vào thị trấn Đu. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện cho Quỹ được mở rộng hoạt động sang địa bàn thị trấn Giang Tiên để các thành viên ở đây tiếp tục tham gia các dịch vụ tín dụng, đồng thời chúng tôi có thêm nguồn lực phát triển Quỹ…



App h5 vay nhanhWebsite https://creditcard.com.vn Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụng