Xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) có trên 2.000ha đất tự nhiên, trong đó trên 1.800ha đất sản xuất nông, lâm nghiệp. Theo thống kê, địa phương có gần 1.280 hộ thì trên 90% sản xuất nông, lâm nghiệp. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Tân Lợi đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân khai thác các thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Gia đình anh Dương Bách Chiến (ở xóm Đồng Lâm, xã Tân Lợi, Đồng Hỷ) thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình chăn nuôi gà. |
Ông Ngô Văn Chuyền, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Tân Lợi là xã miền núi với 70% số dân là người dân tộc thiểu số, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Do đó, xã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ở 8 xóm đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng, phát triển theo quy mô gia trại, trang trại... UBND xã cũng tập trung triển khai hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; phối hợp với các ngân hàng triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ người dân có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế.
Đơn cử như gia đình anh Dương Bách Chiến, hộ chăn nuôi gà ở xóm Đồng Lâm, được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện năm 2017. Anh Chiến chia sẻ: Không chỉ được vay vốn để đầu tư con giống, sửa sang chuồng trại phát triển chăn nuôi, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn kiến thức phòng chống dịch bệnh trên gia cầm. Nhờ đó việc chăn nuôi của gia đình tôi ổn định, hiện tôi duy trì quy mô từ 16.000-18.000 con gà/năm.
Không riêng anh Chiến, hiện trên địa bàn xã có gần 50 hộ tại các xóm Bảo Nang, Trại Đèo, Đồng Lâm phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.000 con trở lên; gần 20 hộ chăn nuôi gia súc. Với việc triển khai hiệu quả công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, từ năm 2020-2023, đàn gia súc, gia cầm toàn xã phát triển ổn định, đạt 253.670 con (vượt 49% Nghị quyết nhiệm kỳ).
Trồng rừng và chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Tân Lợi (Đồng Hỷ). |
Cùng với chăn nuôi, với lợi thế có trên 900ha rừng sản xuất, chính quyền và người dân trong xã luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển ngành nghề chế biến gỗ. Qua đó, các chỉ tiêu trồng rừng hằng năm của xã đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, năm 2023, toàn xã đã trồng được 74,5ha rừng (vượt 14ha so với kế hoạch).; từ đầu năm đến nay trồng mới được 64,5ha rừng (vượt 4,5ha so với kế hoạch). Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 xưởng chế biến gỗ bóc (tăng 8 xưởng so với năm 2017). Trung bình mỗi năm, các cơ sở này tiêu thụ hàng nghìn mét khối gỗ, thu lãi từ 200-450 triệu/năm; tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Để tăng cơ hội, tạo thuận lợi cho người dân trong xuất khẩu gỗ, từ đầu năm đến nay, xã Tân Lợi đã tổ chức tập huấn, triển khai cho 400 lượt hộ dân tại 8/8 xóm có rừng sản xuất trên địa bàn đăng ký tham gia cấp chứng chỉ rừng quốc tế FSC.
Ông Vi Văn Thạch, Trưởng xóm Cầu Đã, chủ 1 cơ sở bóc ván gỗ, chia sẻ: Nhận thấy nhu cầu thị trường ván bóc lớn, địa phương có nguồn cung cấp gỗ đảm bảo số lượng và chất lượng, năm 2017 gia đình tôi là một trong những hộ tiên phong ở xã mở xưởng bóc ván gỗ. Đến nay, cơ sở sản xuất của gia đình hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương. Tính chung cả xóm Cầu Đã, nguồn lợi từ rừng đã giúp đời sống người dân dần ổn định, hiện xóm có 152 hộ dân thì chỉ còn 12 hộ nghèo.
Với việc định hướng, hỗ trợ người dân khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, xã Tân Lợi đã từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, từ 32,1 triệu đồng/người/năm 2020 lên 43 triệu đồng (năm 2023) (tăng 17,1% so với Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025); tỷ lệ hộ nghèo giảm theo tiêu chí mới bình quân 3,77%/năm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin