"Vùng trũng" Tân Lợi phát huy thế mạnh chăn nuôi

Minh Phương 05:47, 11/05/2023

Xác định phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung là giải pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, những năm gần đây, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức trang trại, gia trại. Qua đó đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và tăng thu nhập cho người nông dân.

Mô hình nuôi gà thả đồi của gia đình anh Ngô Văn Lâm, xóm Trại Đèo, xã Tân Lợi,  mỗi năm xuất bán trung bình 20 tấn gà thịt, thu lãi trên 200 triệu đồng trở lên
Mô hình nuôi gà thả đồi của gia đình anh Ngô Văn Lâm, xóm Trại Đèo, xã Tân Lợi, mỗi năm xuất bán trung bình 20 tấn gà thịt, thu lãi từ 200 triệu đồng trở lên.

Tân Lợi là xã thuần nông, "vùng trũng" còn nhiều khó khăn của huyện Đồng Hỷ. Mỗi năm 2 vụ lúa xen canh 1 vụ rau màu, người dân nơi đây cần cù, chịu khó nhưng cũng chỉ đủ ăn, khó bứt phá làm giàu.

Để phá thế thuần nông, đưa kinh tế địa phương phát triển, những năm gần đây, một trong những giải pháp được cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả là tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó có đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, với quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến...

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường gà thịt chất lượng cao, năm 2020, anh Ngô Văn Lâm, xóm Trại Đèo, quyết định đầu tư nuôi gà ta thả đồi. Trên diện tích gần 1ha, anh Lâm dành một phần đất để xây những khu trại chăm sóc gà mới nở, đến khoảng 40 ngày tuổi sẽ thả ra ngoài để chúng tự do kiếm ăn.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lâm nói: Để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng, chống dịch bệnh thường xuyên, đặc biệt là thời điểm chuyển giao giữa lứa gà cũ và mới. Sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại, kiếm thêm rau xanh, chuối... để cung cấp thức ăn cho lứa gà mới nuôi.

Hiện, anh Lâm chăn nuôi 4.000 con gà/lứa. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 200 triệu đồng trở lên. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Lâm còn tích cực hướng dẫn nhiều hộ dân khác tại địa phương phát triển chăn nuôi gà thả đồi.

Còn chị Trương Thị Tư, một trong những nông dân có nhiều năm kinh nghiệm nuôi dê nhốt chuồng tại xóm Cầu Đã, chia sẻ: Mô hình nuôi dê khá thích hợp tại địa phương, bởi không tốn nhiều diện tích. Đặc biệt là không cần nhiều công làm, phù hợp với những người lớn tuổi. Với giá bán luôn ổn định ở mức 120-140 nghìn đồng/kg, bình quân 1 con dê xuất chuồng nông dân thu lợi trên 1 triệu đồng, cao gấp đôi so với nuôi lợn.

Từ 100 con dê ban đầu, gia đình chị Tư đã phát triển tổng đàn lên tới 700-800 con vào thời điểm cao nhất. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi 500-600 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2022 trở lại đây, do kinh tế suy giảm, sức tiêu thụ không cao nên gia đình chị nuôi duy trì 200 con. 

Ngoài mô hình của anh Lâm, chị Tư, hiện trên địa bàn xã Tân Lợi có khoảng 20 hộ đầu tư chăn nuôi bò sinh sản quy mô lớn, từ 7-10 bò nái, tập trung ở các xóm: Na Tiếm, Bảo Nang, Cầu Đã, Đồng Lâm... Hiện tổng đàn bò mẹ của toàn xã là khoảng 200 con.

Còn ở các xóm Bảo Nang, Đồng Lâm, Trại Đèo… người dân lại lựa chọn chăn nuôi gia cầm làm hướng phát triển kinh tế. Toàn xã Tân Lợi hiện có hơn 50 hộ chăn nuôi gà với quy mô từ 1.000 con trở lên/lứa, trong đó có khoảng 30 gia trại lớn chăn nuôi từ 3.000 đến 5.000 con gà. Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, mức thu nhập bình quân của bà con trong xã hiện đạt trên 36 triệu đồng/người/năm. 

Với việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế gia trại, trang trại, người dân Tân Lợi đã nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; tạo điều kiện thuận lợi để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đưa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng phát triển theo hướng bền vững.

Đồng chí Bùi Thị Tĩnh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Tân Lợi, cho biết: Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, theo hướng trang trại, gia trại nhằm kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, sản lượng lớn, mang lại giá trị kinh tế cao.