Tháng Năm về cho cây lúa trổ bông

 Huệ Dinh 10:02, 07/05/2023

Len lỏi trong các đường làng ngõ xóm ở Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Phú Bình… đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những đồng lúa xanh mướt mát. Trong khi những chân ruộng cấy muộn hơn ở miền núi, vùng cao đang vào giai đoạn đứng cái, làm đòng thì nhiều cánh đồng lúa ở Phú Bình, Phổ Yên đã trỗ bông.

Trên cánh đồng ở xã Tân Kim (Phú Bình).
Trên cánh đồng ở xã Tân Kim (Phú Bình).

Vậy là chỉ hơn 1 tháng nữa, khắp các cánh đồng ở Thái Nguyên lại rộn vang tiếng máy gặt, tiếng nói cười. Với hình thái thời tiết mát mẻ, ít sâu bệnh hại như hiện nay, những người nông dân “một nắng hai sương” đang mong về một vụ mùa bội thu.

Xanh những cánh đồng

Men theo con đường bê tông uốn lượn ở xóm Cây Hồng, xã Lâu Thượng (Võ Nhai), chúng tôi hít hà căng lồng ngực hương thơm của lúa, của hương đồng nội buổi bình minh. Thời điểm này, những cánh đồng lúa ở Cây Hồng đã qua thì con gái, đang đứng cái, làm đòng. Bà Ma Thị Hiểu, một người dân trong xóm, chia sẻ: Năm nay thời tiết thuận lợi, nắng đến muộn hơn; nguồn nước cấy và dưỡng lúa cũng không bị khan hiếm như mọi năm. Đặc biệt là sâu bệnh hại ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái nên lúa phát triển tốt. Cứ đà này, năng suất lúa vụ xuân năm nay sẽ vượt xa năm trước.

Như để minh chứng cho lời nói của mình, bà Hiểu đưa tay vuốt từng cây lúa xanh mơn mởn ngay gần bờ. Đã qua rồi những tháng ngày quen với tư duy sản xuất lạc hậu, gần chục năm nay, bà Hiểu và các hộ dân ở xã Lâu Thượng nói riêng, cả tỉnh nói chung đã chuyển đổi từ giống lúa địa phương năng suất thấp sang cấy những giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng tốt như các giống lúa thuần Đài Thơm 8, Thiên ưu 8, Sumo, J02, TBR225; lúa lai SL8H-GS9, TH3-7, TH3-5, B-TE1, Syn98, HK T99… Nhờ đó, năng suất lúa đã tăng lên đáng kể (từ 1,5 tạ/sào lên khoảng 2,2 tạ/sào). 

Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, những người nông dân chăm chỉ ở Thái Nguyên đã “nằm lòng” kỹ thuật canh tác để cho cây lúa phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, xã Hà Thượng (Đại Từ), cho biết: Không chỉ chuyển đổi cơ cấu giống lúa, nhiều năm nay, chúng tôi tập trung cấy lúa xuân muộn để phòng tránh rét cho lúa. Sau cấy, chúng tôi tỉa dặm những diện tích lúa bị chết, ốc bươu vàng hoặc chuột gây hại theo đúng mật độ. Nhằm hạn chế thấp nhất khả năng gây hại của sâu bệnh, nhà nào cũng tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và chủ động phun thuốc kịp thời, đồng loạt, đúng liều lượng, kỹ thuật. Đặc biệt, mọi nhà còn chủ động phòng, chống hạn, điều tiết nước hợp lý, đảm bảm đủ ấm cho ruộng, thuận lợi cho chăm sóc và để lúa sinh trưởng, đẻ nhánh tập trung, trỗ bông trong khung thời vụ tốt nhất.

Theo kinh nghiệm của nông dân, năm nay nhuận 2 tháng 2 Âm lịch nên mưa bão sẽ đến muộn hơn. Còn nhớ đầu tháng Năm năm ngoái, mưa lớn kéo dài vài ngày, nước ngập đồng thấp, làm sạt trượt lúa ở đồng cao nên không ít hộ dân ở Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ… lao đao sau những trận mưa, nhiều gia đình bị thiệt hại nặng. Bởi vậy, mọi nhà đều hy vọng, vụ lúa xuân năm nay sẽ thuận hơn năm trước.

Mong mùa bội thu

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ tỉnh, cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh cấy được trên 28 nghìn hec-ta lúa, vượt kế hoạch 2%. Được đánh giá có nhiều thuận lợi trong sản xuất, nhất là việc điều tiết nguồn nước cấy, dưỡng lúa và làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh gây hại nên năng suất lúa dự kiến đạt trên 56 tạ/ha, vượt hơn 1 tạ/ha so với kế hoạch.

Với thời gian sinh trưởng từ 120 đến 135 ngày, thời điểm này, cây lúa đã đi qua 2/3 chặng đường. Dẫu vậy, để có “mùa vàng” bội thu, người nông dân vẫn cần bỏ nhiều công sức để chăm bón cho ruộng đồng.

Ngành Nông nghiệp đánh giá, hầu hết diện tích lúa vụ xuân của Thái Nguyên đang và sẽ trỗ bông vào thời điểm “vàng” theo đúng khuyến cáo là từ ngày 5-5 đến 20-5 và độ giãn là từ 1-5 đến 25-5.

Ông Nguyễn Tá nhận định: Thời điểm trỗ bông của lúa đảm bảo được tần suất an toàn là trên 90%, phần còn lại rơi vào khung thời gian không an toàn, có nghĩa là lúa trỗ bông phơi màu vào khoảng thời gian này nhưng vẫn có các tác động do bất thường về nhiệt độ, mưa hoặc gặp bão. Dù vậy, chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự ôn hòa của thời tiết năm nay qua những dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.

Sau thời điểm trỗ bông, công việc bảo vệ cho lúa vẫn cần được duy trì hơn bao giờ hết. Vụ này, bệnh đạo ôn được xem là “kẻ thù” lớn nhất, gây nguy hại và dễ lan truyền, phát tán thành dịch, gây hại trên lá ngay khi lúa đẻ nhánh rộ.

Hiện nay, giai đoạn để bệnh hại này phát tán thành dịch lớn đã qua đi. Tuy nhiên, nông dân vẫn đang bám sát đồng ruộng, tiếp tục theo dõi để phòng trừ sâu cuốn lá kịp thời, đặc biệt không để bệnh đạo ôn cổ bông và các loại sâu bệnh khác phát sinh gây hại nhiều hơn.

Để chủ động giành vụ lúa xuân thắng lợi, bên cạnh việc lựa chọn bộ giống và thời vụ gieo cấy thích hợp, giải pháp dinh dưỡng cây trồng có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi “Công cấy là công bỏ, bón phân làm cỏ là công ăn”. Vì lẽ đó, việc bón phân đúng kỹ thuật quyết định rất lớn đến năng suất, chất lượng của vụ lúa xuân - vụ lúa thường đạt năng suất cao nhất trong năm.

Ông Nông Sỹ Quảng, xã Cổ Lũng (Phú Lương), cho hay: Để lúa phát triển tốt, ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã lựa chọn các loại phân có hàm lượng đạm cao, từ đó giúp cây lúa đẻ khỏe, vươn lá, vươn thân.

Những người nông dân đã quen với việc trồng cấy đều hiểu rằng, hàm lượng dinh dưỡng khá của của phân bón thúc cũng chính là cách “đặt vòng” cho lúa đẻ nhánh vừa phải. Còn hàm lượng kali giúp tăng hiệu suất quang hợp, tạo ra nhiều sản phẩm hữu cơ, vận chuyển dòng nhựa về nuôi các nhánh mới đẻ, giúp các nhánh phát triển thành bông hữu hiệu, giúp ruộng lúa thông thoáng nhưng khóm lúa nhiều bông. Việc bón phân đúng kỹ thuật, theo nhu cầu của cây lúa (tùy theo từng giai đoạn) giúp cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, chống chịu tốt với sâu bệnh và môi trường bất thuận…

Vậy là sau bao nhọc nhằn, người nông dân đã có thể “mơ” về một vụ mùa bội thu với những cánh đồng lúa trĩu hạt. Mong rằng, từ nay đến khi lúa được thu hoạch, thời tiết thuận lợi, đủ mưa, không bão giông, để hạt vàng được đưa về phơi trong mỗi khoảng sân đầy nắng của những người nông dân “hay lam, hay làm”.