Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, Đại Từ là một trong những địa phương của tỉnh chịu thiệt hại. Tuy nhiên, so với các xã, thị trấn trong huyện, Bản Ngoại có phần may mắn hơn khi hơn 20ha lúa, màu bị ngập, đổ đã dần hồi phục.
Bản Ngoại là một trong những xã đi đầu ở huyện Đại Từ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong ảnh: Người dân xóm Khâu Giang chăm sóc rau màu. Ảnh: T.H |
Chúng tôi cho xe chạy lòng vòng qua các xóm Khâu Giáo 1, Đồng Ninh, Đầm Mua, Lê Lợi, Phố…, thấy lúa, cây màu đã dần phục hồi sau trận mưa lũ mới đây, trả lại màu xanh tươi cho các cánh đồng. Gặp chị Nguyễn Thị Hà, ở xóm Đồng Ninh, đang ra thăm đồng, chị vui vẻ trò chuyện: Mấy sao ruộng của gia đình tôi cũng bị ngập trong trận mưa lũ vừa qua, lo quá vì nghĩ sẽ mất trắng. Nhưng nay lúa đang dần hồi phục, bà con ai cũng phấn khởi.
Biết chúng tôi vừa qua xóm Đồng Ninh, anh Chu Quang Hưng, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Đồng Ninh có một hộ gia đình với 4 nhân khẩu có nguy cơ bị sạt lở đất cao, xã đã vận động di dời đến ở tạm nhà người thân. Trong đợt ảnh hưởng bão số 3 vừa qua, rất may mắn xã Bản Ngoại không bị thiệt hại gì đáng kể về tài sản, hoa màu, chỉ bị sạt lở 15m3 đất đá trên tuyến đường liên xã Bản Ngoại - Tiên Hội, đoạn qua xóm Cao Khản. Cuộc sống của người dân đã ổn định, bà con đang tập trung lao động, sản xuất.
Là xã thuần nông nên Bản Ngoại xác định phải nâng cao giá trị nông sản trên cùng một diện tích. Muốn vậy, không có cách nào khác là tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa, cây màu cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất… Nếu như trước kia về Bản Ngoại, người nông dân sẽ say sưa nói về cách trồng củ đậu và dưa hấu. Hai loại cây này một thời đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, nhưng nay, chè và lúa lại trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Lý do được Chủ tịch UBND xã Chu Quang Hưng giải thích: Bản Ngoại có khoảng 70% số người trong độ tuổi lao động đang làm việc tại các công ty, nhà máy. Số lao động ở địa phương phần lớn là người già nên việc trồng dưa hấu và củ đậu không còn phù hợp, do việc chăm bón và thu hoạch mất khá nhiều công sức, thời gian, trong khi nếu trồng hai vụ lúa có thể cơ giới hóa từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, giải phóng phần lớn sức lao động; kết hợp với sản xuất chè đã tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Tổng diện tích chè của xã là hơn 240ha, sản lượng chè búp tươi đạt gần 3.000 tấn/năm.
Cây củ đậu một thời đã được trồng đại trà, giúp nhiều hộ dân ở Bản Ngoại thoát nghèo. |
Nhờ xác định đúng hướng trong phát triển nông, lâm nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương nên dù phần lớn người lao động của xã Bản Ngoại “ly hương” để làm ăn, nhưng người già ở nhà không “ly nông” nên 4 mùa ngô, lúa vẫn xanh tươi, đất không ngơi nghỉ do liên tục được luân canh, gối vụ.
Bà con tích cực đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất, trung bình năng suất lúa ở Bản Ngoại đạt hơn 60tạ/ha; ngô đạt 47tạ/ha... Sản lượng lương thực có hạt của xã năm sau luôn cao hơn năm trước, năm vừa qua đạt hơn 3.700 tấn; 153ha đất trồng rau màu được phủ xanh bằng khoai lang, mía, lạc, đậu đỗ các loại…
Cây trồng phát triển, cho năng suất, chất lượng cao, địa phương lại ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, nên đời sống của người dân dần khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 3,3%; tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa là gần 96%; 19/19 xóm đạt xóm văn hóa; tỷ lệ che phủ rừng ổn định từ 46% trở lên… Xã Bản Ngoại đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay.
Để đạt mục tiêu đề ra, theo anh Chu Quang Hưng, Bản Ngoại tiếp tục đầu tư, thâm canh tăng vụ, áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường tuyên truyền, vận động mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn tại các xóm; rà soát các nhà văn hóa để xây mới, sửa chữa đảm bảo tiêu chí nông thôn mới nâng cao; vận động nhân dân thực hiện tiêu chí mỗi hộ gia đình trang bị một tủ thuốc y tế; thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin