Chè Tân Tiến vượt "lũy tre làng"

Hải Đăng 08:09, 25/11/2024

Từ một hộ nghèo, gia đình anh Nguyễn Văn Pháp (ở xóm Hòa Tiến 2, xã Minh Tiến, Đại Từ) đã vươn lên khá giả, bản thân anh còn trở thành Giám đốc Hợp tác xã chè Tân Tiến - hợp tác xã chè đầu tiên ở xã miền núi còn nhiều khó khăn. Đơn vị đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Pháp đóng gói sản phẩm chè.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Pháp đóng gói sản phẩm chè.

Sinh ra và lớn lên trên đất chè, nhiều nhà hàng xóm có “của ăn của để” nhờ cây chè nhưng những năm tháng mới lập gia đình, vợ chồng anh Pháp lại loay hoay trong cảnh khó nghèo. Thuộc diện hộ nghèo, nên hai vợ chồng được hỗ trợ mua 1 máy vò chè để phát triển sản xuất.

Tuổi trẻ, có sức khỏe, anh Pháp không bằng lòng với cuộc sống chỉ đủ cơm no ngày 3 bữa, nhiều đêm trăn trở, anh muốn đưa sản phẩm chè của quê hương bay xa, muốn làm giàu bằng chính loại cây đã bén duyên, gắn bó với đồng đất Minh Tiến mấy mươi năm qua.

Bắt đầu từ đâu, như thế nào nếu không có người “dẫn lối”? Anh thấy bản thân khó có thể thực hiện được ý tưởng nếu không tự rèn luyện, bồi bổ thêm kiến thức nên đã tích cực tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về trồng, chăm sóc, sản xuất chè; chịu khó đọc, học hỏi qua Internet, tiếp cận với công nghệ mới…

Dần dần anh đã tích lũy cho mình vốn kiến thức quý báu trong quản trị, kinh doanh, sản xuất, chế biến chè và trở thành Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Tân Tiến.

HTX được thành lập từ năm 2020, có 22 thành viên sản xuất chè trên diện tích hơn 10ha. Ban đầu, HTX sản xuất chè “chợ” đại trà, tức là chè giá rẻ, dành cho đối tượng có thu nhập thấp. Nhưng anh nghĩ, để sản phẩm chè có chỗ đứng trên thị trường, khẳng định được thương hiệu thì không có con đường nào khác là phải sản xuất chè đặc sản, không ngừng nâng cao chất lượng nhưng giá thành không đổi.

Muốn vậy, người sản xuất và người tiêu dùng phải gặp được nhau ở “con đường” ngắn nhất, cắt bỏ các khâu trung gian; phải tham khảo được ý kiến của khách hàng về chất lượng sản phẩm để có những thay đổi, điều chỉnh sao cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Và anh Pháp cho rằng, ở thời đại 4.0 thì việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng thông qua các trang mạng xã hội, bán hàng online chính là con đường ngắn nhất.

Nghĩ là làm, anh chịu khó mày mò, đầu tư nghiên cứu để có thể xây dựng thành công các kênh bán hàng qua Internet. Anh Pháp đặc biệt quan tâm đến khâu chăm sóc khách hàng. Khi có ai đó lần đầu mua chè của HTX, anh đều thăm hỏi, xem cách giao - nhận hàng thế nào, tham góp ý kiến của khách hàng về chất lượng sản phẩm…

Nhờ đó, từ những khách hàng lạ, sau này đều trở thành thân quen, khách hàng truyền thống của HTX; từ chỗ chỉ bán chè “bình dân” nay HTX đã có những sản phẩm thượng hạng, như chè đinh, chè tôm nõn, chè móc câu đặc biệt…

Sản phẩm chè của HTX Tân Tiến xây dựng được logo riêng với tên gọi “Nguyễn Pháp”, vượt khỏi “lũy tre làng” đến với nhiều tỉnh, thành trên cả nước, như Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lạng Sơn…

Một góc đồi chè xóm Hòa Tiến 2, nguồn nguyên liệu cung cấp cho Hợp tác xã chè Tân Tiến.
Một góc đồi chè xóm Hòa Tiến 2, nguồn nguyên liệu cung cấp cho Hợp tác xã chè Tân Tiến.

Hôm chúng tôi đến thăm, vợ chồng anh Pháp đang đóng hàng gửi đi Cà Mau. Tiếp chúng tôi bằng ấm trà nóng, tỏa hương thơm dìu dịu, anh Pháp nói về việc làm chè, xây dựng thương hiệu với sự hứng thú và say mê.

Anh chia sẻ: Có được thành quả bước đầu như ngày hôm nay cũng phải trả giá bằng những thất bại, nhưng tôi không bao giờ cho phép mình nản lòng mà luôn nỗ lực vươn lên. Muốn vậy, tôi vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, chịu khó học hỏi cái mới, cái hay, tiếp cận công nghệ mới và quan trọng nhất trong làm kinh doanh vẫn phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và coi trọng chữ tín với khách hàng.

Hiên nay, mỗi ngày, HTX thu hái trung bình từ 2-2,5 tạ chè búp tươi, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết ngay đến đó, với giá từ 200-500 nghìn đồng/kg; loại thượng hạng giá từ 1-1,2 triệu đồng/kg. HTX đang giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7,5-8 triệu đồng/người/tháng.

Quy mô HTX tuy chưa lớn, nhưng cái “lớn” ở đây là “người thuyền trưởng” muốn vươn ra biển bằng chính công sức và trí tuệ của mình, muốn góp phần xây dựng thành công thương hiệu chè “Nguyễn Pháp” để chắp cánh cho chè ở Minh Tiến bay xa. Để biến ước mơ thành hiện thực, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, anh Nguyễn Văn Pháp đã tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên HTX, người dân trong xóm sản xuất chè sạch, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…