Hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm

Chung An 10:46, 04/11/2024

Nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được triển khai tại TP. Thái Nguyên hơn 30 năm qua. Với các đối tượng được hỗ trợ vay vốn là cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và người lao động thiếu việc làm, nguồn vốn này góp phần quan trọng giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố vươn lên phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Nguyễn Thị Thu (ở xóm Cương Lăng, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên) có thêm điều kiện phát triển cây ăn quả, chăn nuôi.
Nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị Nguyễn Thị Thu (ở xóm Cương Lăng, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên) có thêm điều kiện phát triển cây ăn quả, chăn nuôi.

Với mức vay tối đa 2 tỷ đồng/cơ sở sản xuất, kinh doanh và 100 triệu đồng/lao động, thời hạn vay tối đa 120 tháng, mức lãi suất 7,92%/năm (không thay đổi trong thời gian vay), thời gian qua, không ít người lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Thái Nguyên được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm và có thêm điều kiện phát triển kinh tế.

Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Thu, ở xóm Cương Lăng, xã Thịnh Đức. Trước đây, vợ chồng chị chăn nuôi hàng trăm con lợn, dê. Tuy nhiên, khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi (năm 2020), hầu hết đàn lợn của gia đình chị đều mắc bệnh, dẫn đến thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Sau thời điểm đó, gia đình chị chuyển đổi mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng “đa cây, đa con”.

Năm 2023, khi có nhu cầu phát triển chăn nuôi gia cầm nhưng thiếu vốn, chị Thu đã vay 50 triệu đồng vốn hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để mua con giống và duy trì chăn nuôi cho đến nay.

Chị Thu chia sẻ: Hiện nay, cùng với 50 con lợn nái, thịt, gia đình tôi còn nuôi khoảng 500 con gia cầm đã đến kỳ được xuất bán (dự kiến thu về từ 70-80 triệu đồng). Sau lứa này, tôi sẽ tái đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn hơn, khoảng 600 con gia cầm.

Tương tự gia đình chị Thu, năm 2022, khi có ý định mở rộng quy mô kinh doanh, gia đình anh Nguyễn Sỹ Dần (ở xóm Trám, xã Huống Thượng, TP. Thái Nguyên) đã vay 50 triệu đồng vốn hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH.

Anh Dần cho biết: Gia đình tôi kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện từ năm 2019, nhưng quy mô nhỏ vì chưa có kinh nghiệm, cùng với nguồn vốn còn hạn hẹp. Đến năm 2022, khi biết có nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH, gia đình tôi đã mạnh dạn vay để mua thêm xe và máy móc sửa chữa. Hiện nay, tại cửa hàng của gia đình thường xuyên có khoảng 50-60 chiếc xe. Bình quân mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí, gia đình có thể thu lãi từ 10-12 triệu đồng.

Chị Thu, anh Dần là 2 trong rất nhiều trường hợp trên địa bàn TP. Thái Nguyên được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH, từ đó góp phần giải quyết khó khăn, vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, ưu đãi về lãi suất cho vay (7,92%/năm) đã giúp người lao động yên tâm hơn khi vay vốn đầu tư.

Để chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm được triển khai hiệu quả, NHCSXH tỉnh đã xây dựng chỉ tiêu kế hoạch; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đến các đoàn thể ở cở sở. Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn, tiến hành bình xét cho các hộ vay bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Ngân hàng cũng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể của TP. Thái Nguyên chỉ đạo các tổ chức đoàn thể ở cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các trường hợp vay vốn trả lãi và gốc đúng hạn, không để phát sinh nợ quá hạn.

Tính đến cuối tháng 10-2024, tổng dư nợ cho vay theo chương trình này trên địa bàn thành phố là gần 153 tỷ đồng (tăng gần 21 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023), với trên 2.900 khách hàng vay vốn.

Từ thực tế cho thấy, nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm đã giúp nhiều gia đình có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới, góp phần thay đổi mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Minh chứng là với nguồn vốn tín dụng này không có tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu xảy ra trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, hằng năm nguồn vốn tín dụng hỗ trợ tạo việc làm được bổ sung không nhiều, nguồn vốn ủy thác của địa phương cũng còn hạn chế, trong khi nhu cầu vay của người dân lại rất lớn nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Ông Dương Quang Vinh, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng (NHCSXH tỉnh), cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu với UBND TP. Thái Nguyên cân đối nguồn ngân sách địa phương để ủy thác cho NHCSXH thực hiện cho vay theo chương trình hỗ trợ tạo việc làm đối với các đối tượng chính sách trên địa bàn; đồng thời tham mưu thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở để nguồn vốn này phát huy hiệu quả hơn nữa.



thông tin du học nhật bản Hướng dẫn tìm việc tại VietnamWorks