Khai thác lợi thế phát triển dịch vụ logistics

Thúy Hằng 07:00, 04/11/2024

Logistics là ngành dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao, không chỉ hỗ trợ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, mà còn góp phần phát triển hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin. Với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, Thái Nguyên định hướng phát triển trở thành trung tâm logistics của vùng.

Hệ thống kho hàng của Công ty CP Logistics ASG (ASGL) với quy mô diện tích khoảng 30.000m2 tại Khu công nghiệp Yên Bình.
Hệ thống kho hàng của Công ty CP Logistics ASG (ASGL) với quy mô diện tích khoảng 30.000m2 tại Khu công nghiệp Yên Bình.

Lợi thế nổi trội

Thái Nguyên được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển ngành logistics nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng giao thông phát triển. Trong nhiều nghị quyết của Đảng, Thái Nguyên được xác định là cực tăng trưởng quan trọng của vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Trên đà phát triển công nghiệp, xây dựng, khai khoáng mạnh mẽ, cùng với những lợi thế là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du, miền núi và vùng đồng bằng Bắc Bộ, việc xây dựng tỉnh trở thành trung tâm logistics của khu vực nằm trong tương lai gần.

Theo Quy hoạch tỉnh, Thái Nguyên có 11 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245ha. Hiện nay, trong các KCN có 313 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực (gồm 177 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư hơn 10,5 tỷ USD và 137 dự án DDI với số vốn đăng ký đầu tư 22.361 tỷ đồng). Thái Nguyên có 12 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động, trong đó có 63 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 9.492 tỷ đồng.

Những năm gần đây, Thái Nguyên đã triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm kết nối đồng bộ giữa các KCN, CCN với các tỉnh (như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội; cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu, huyện Định Hóa - ngã ba Trung Sơn, tỉnh Tuyên Quang…), đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng.

Nếu như năm 2017, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ của tỉnh đạt 37.490 nghìn tấn thì đến năm 2021 tăng lên 44.737 nghìn tấn. Trung bình lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ tăng hằng năm gần 5%. Nhìn vào bức tranh trên cho thấy, Thái Nguyên đang có nguồn hàng vô cùng lớn, nhu cầu vận chuyển khắp cả nước và quốc tế bằng đường, đường biển, hàng không...

Chưa “hút” nhiều doanh nghiệp tham gia

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào thực hiện toàn bộ các khâu của dịch vụ logistics. Mặc dù số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia cung ứng dịch vụ logistics những năm qua tăng khá mạnh, song chủ yếu quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên chỉ tham gia vào một hoặc một số khâu trong loại dịch vụ này như dịch vụ vận tải, giao nhận hàng. Hiện nay, Thái Nguyên có 2 DN “lớn” chuyên về dịch vụ logistics là Công ty TNHH MTV Logistics Thái Hưng và Công ty CP Logistics ASG.

Công ty TNHH MTV Logistics Thái Hưng bốc dỡ hàng hóa tại cảng biển.
Công ty TNHH MTV Logistics Thái Hưng bốc dỡ hàng hóa tại cảng biển. Ảnh: TL

Công ty TNHH MTV Logistics Thái Hưng được thành lập tháng 12-2021 (tiền thân là Phòng Logistics của Công ty CP Thương mại Thái Hưng). Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng dịch vụ logistics, Công ty đã có bước phát triển mạnh, nếu như doanh thu năm 2021 là 180 tỷ đồng, thì đến 2023 đã tăng lên 200 tỷ đồng. 10 tháng năm 2024, Công ty đã đạt doanh thu 200 tỷ đồng, phấn đấu hết năm nay đạt 250 tỷ đồng.

Ông Trần Nguyên Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Logistics Thái Hưng: Công ty đảm nhiệm toàn bộ đầu vào và đầu ra của Công ty CP Thương mại Thái Hưng. Hiện, Công ty có 70 đầu xe kéo và liên kết với 5 đơn vị vận tải với năng lực tăng thêm khoảng 100 xe tải, 100 xà lan phục vụ việc xếp dỡ hàng hóa tại các cảng Hoàng Diệu, Đoạn Xá, Vật Cách (TP. Hải Phòng); cảng Hòn Nét, tỉnh Quảng Ninh. Trung bình mỗi tháng Công ty xếp dỡ khoảng 100.000 tấn hàng hóa. Ngoài phục vụ chính cho Thái Hưng, hiện có 2 khách hàng lớn của DN là Công ty CP Thép Việt Ý (mỗi năm cung ứng khoảng 500.000 tấn hàng hóa) và Công ty thép Việt Đức (mỗi năm cung ứng khoảng 100.000 tấn hàng hóa).

Ngoài Thái Hưng, hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI và các DN lớn của tỉnh là khách hàng “ruột” của Công ty CP Logistics ASG. Công ty CP Logistics ASG (ASGL) được thành lập năm 2013 tại KCN Yên Bình. Các khách hàng lớn của ASGL bao gồm: Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Samsung SDS, Công ty TNHH Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo và Công ty TNHH Vonfram Masan, Công ty Liên doanh TNHH Nippon Express, TNG…

Theo lãnh đạo Công ty CP Logistics ASG, với tầm nhìn trở thành nhà cung ứng dịch vụ 3PL (dịch vụ logistics bên thứ ba) và tổ chức chuỗi cung ứng hàng đầu Việt Nam, mục tiêu của DN trở thành nhà cung ứng dịch vụ 3PL, 4PL và tổ chức chuỗi cung ứng phát triển 2 mảng chính: Đầu tư và khai thác hạ tầng logistics, kho hàng không kéo dài, trung tâm Logistics, ICD, cảng sông. Dịch vụ đẩy mạnh phát triển logistics hàng không, cung ứng dịch vụ và các dịch vụ vận chuyển đa phương thức.

“Đánh thức” tiềm năng

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh ở lĩnh vực này, tại cuộc làm việc mới đây với Đoàn công tác của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, nhấn mạnh: Trong kỷ nguyên số, Thái Nguyên đặt mục tiêu tiếp tục là trung tâm logistics của khu vực. Thái Nguyên đang quan tâm đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông mang tính liên kết, kết nối vùng và phát triển hạ tầng số với việc thiết lập các trung tâm dữ liệu. Đồng chí mong muốn, thời gian tới Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ quan tâm hỗ trợ đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm logistics của khu vực.

Cụm cảng Đa Phúc (TP. Phổ Yên) phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Cụm cảng Đa Phúc (TP. Phổ Yên) phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Nguyên Ngọc

Nhìn nhận thực tế thì ngành dịch vụ logistics của Thái Nguyên chưa xứng với tiềm năng. Trao đổi với lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh, nhiều ý kiến nhận định tỉnh vẫn chưa thực sự có hệ thống kho bãi hiện đại; các DN chưa tham gia sâu vào chuỗi dịch vụ logistics nên đã hạn chế đáng kể khả năng lưu thông hàng hóa.

Còn theo ông Trần Nguyên Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Logistics Thái Hưng: Cảng nội địa Đa Phúc (cảng nội địa duy nhất của tỉnh) hiện nay phương tiện bốc dỡ đã lạc hậu, không có kho tập kết, hàng hóa chủ yếu che bạt không đảm bảo an toàn. Nếu tỉnh quan tâm đầu tư nạo vét luồng lạch vào cảng Đa Phúc và hệ thống kho bãi được xây dựng hiện đại thì chắc chắn dịch vụ logistics sẽ phát triển hơn. Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực này, đặc biệt là đào tạo lái xe hạng FC.

PGS.TS Trần Quang Huy, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên (người có nhiều năm nghiên cứu về logistics): Tỉnh cần quan tâm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển dịch vụ logistics, nhất là đầu tư xây dựng các cảng cạn dọc theo hàng lang tuyến vận tải; tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông từ đường bộ đến đường sông, các nhà ga, kho, bến bãi cũng như trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa. Quan tâm phát triển logistics gắn với thương mại điện tử.

Từ thực tế có thể thấy, Thái Nguyên có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện, nhu cầu vận chuyển hàng hóa mang tính chuyên nghiệp ngày càng tăng. Nhưng để dịch vụ logistics phát triển tương xứng với tiềm năng thì cùng với sự nỗ lực của các DN, rất cần có định hướng, quy hoạch phát triển dịch vụ logistics mang tính chiến lược, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng và cả những chính sách hỗ trợ của tỉnh.