Nâng cao giá trị sản phẩm trên đất canh tác

Phương Thơm 09:35, 09/11/2024

TP. Sông Công đang trong tiến trình đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, chính vì thế diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Để bù đắp giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, địa phương định hướng nâng cao năng suất, giá trị cây trồng trên diện tích canh tác.

Mô hình trồng dưa lưới ruột xanh Ichiba trong nhà lưới của Tổ hợp tác rau củ quả công nghệ cao Hà Thắng, ở phường Cải Đan (TP. Sông Công).
Mô hình trồng dưa lưới ruột xanh Ichiba trong nhà lưới của Tổ hợp tác rau củ quả công nghệ cao Hà Thắng, ở phường Cải Đan (TP. Sông Công).

Từ năm 2015, gia đình anh Đồng Văn Tuấn (ở xóm La Cảnh 1, xã Bá Xuyên, TP. Sông Công) đã chuyển đổi 1 sào đất lúa sang trồng hoa. Từ hiệu quả kinh tế khả quan bước đầu, gia đình anh đã chuyển toàn bộ 2 mẫu ruộng cấy lúa sang trồng hoa các loại.

Theo anh Tuấn, so với cấy lúa thì trồng hoa chi phí lớn hơn, chăm sóc vất vả, nhưng bù lại lợi nhuận cao gấp 3-4 lần. Như trong vụ hoa Tết năm 2024, trừ chi phí, gia đình anh có lãi trên 300 triệu đồng (nếu cấy lúa đạt năng suất cao thì cũng chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng).

Cùng ở xóm La Cảnh 1, gia đình anh Đặng Văn Đăng đang khẩn trương làm đất trồng vụ dưa mới. Anh Đăng chia sẻ: Gia đình tôi đã trồng dưa được 3 năm nay. Với 1.000m2 đất, tôi đầu tư nhà kính trồng 3 vụ dưa/năm (gồm 2 vụ dưa vàng, 1 vụ dưa chuột), mỗi năm thu về khoảng 200 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao, vụ này, tôi đầu tư thêm 1.000m2 nhà lưới để trồng.

Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Sông Công, những mô hình chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn thành phố hiện nay khá phổ biến. Để có được kết quả này, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng luôn định hướng, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển đối với từng loại cây trồng.

Cụ thể, với cây lương thực, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, địa phương tích cực đưa các giống lúa, ngô có năng suất cao vào đồng ruộng; xây dựng các mô hình cánh đồng một giống, vùng sản xuất lúa tập trung, chất lượng cao (với các giống lúa J02, Thiên ưu, Đài thơm 8 LC 25, LC 212…) tại các phường Châu Sơn, Phố Cò, Lương Sơn, xã Bá Xuyên. Nhờ đó, năng suất lúa, ngô đều đạt cao (năng suất lúa bình quân đạt gần 55 tạ/ha/vụ, năng suất ngô đạt gần 50 tạ/ha/vụ).

Về hoa màu, địa phương khuyến khích nông dân tích cực ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất rau an toàn. Từ năm 2020 đến 2023, thành phố đã triển khai hỗ trợ 3 mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại 2 phường Châu Sơn, Thắng Lợi và xã Bình Sơn. Đến nay, tổng diện tích rau các vụ trên địa bàn thành phố đạt 925ha, sản lượng đạt gần 16.000 tấn/năm.

Cây chè được xác định là sản phẩm chủ lực của địa phương, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, chế biến chè và nâng cao kỹ thuật cho người trồng chè; chuyển đổi từ giống chè trung du (trồng bằng hạt) sang trồng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao.

Mỗi năm, thành phố trồng mới, trồng thay thế được trên 20ha chè, trong đó diện tích chè giống mới đạt 60% trong cơ cấu giống. Với tổng diện tích chè trên 500ha, thành phố chỉ đạo phát triển ngành chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; đầu tư xây dựng các mô hình điểm tưới tiết kiệm nước… Nhờ đó, sản lượng chè trên địa bàn tăng khá nhanh (năm 2020 đạt trên 7.400 tấn, đến năm 2024 đạt gần 8.000 tấn).

Cùng với cây chè, TP. Sông Công cũng khuyến khích người dân chú trọng cải tạo đất vườn tạp, đồi bãi để trồng mới cây ăn quả. Hiện nay, diện tích cây ăn quả của thành phố đạt trên 1.000ha, tăng 300ha so với năm 2020. Nhiều giống cây ăn quả mới được đưa vào trồng, nhân rộng (như bưởi diễn, nhãn muộn, chuối tiêu hồng, thanh long ruột đỏ…).

Nhằm nâng cao giá trị trên đất trồng rừng, thành phố chỉ đạo thực hiện điểm một số mô hình trồng cây dược liệu ba kích tím xen canh với rừng keo tại phường Châu Sơn; mô hình liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm từ nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại xã Bá Xuyên, phường Châu Sơn...

Thời gian qua, TP. Sông Công cũng đã định hướng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như: Vùng trồng cây ăn quả ở xã Bá Xuyên, trồng rau màu ở xã Lương Sơn, trồng lúa chất lượng cao ở các phường Châu Sơn, Phố Cò...

Cùng với đó, địa phương chú trọng đầu tư nguồn lực hỗ trợ giống cây trồng; hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất; hỗ trợ đầu tư ban đầu để thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao...

Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thời gian qua, TP. Sông Công đã đạt được những kết quả khả quan trong lĩnh vực trồng trọt. Năm 2015, giá trị sản phẩm trên đất canh tác của địa phương chỉ đạt 88,2 triệu đồng/ha, đến năm 2024 tăng lên trên 120 triệu đồng/ha.