Hằng năm, tỉnh Thái Nguyên triển khai từ 30-40 đề án khuyến công với kinh phí hàng tỷ đồng hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp, hợp tác xã. Thực tế cho thấy, công tác khuyến công đã mang lại nhiều kết quả tích cực, song cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc.
Từ nguồn vốn khuyến công, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã đầu tư thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm chè tại HTX trà Sơn Dung (TP. Thái Nguyên). |
Trên cơ sở hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, thời gian qua, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Công ty TNHH Sáng Linh Thái Nguyên, ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) - chuyên chế tác, thiết kế các công trình từ sản phẩm đá - là một ví dụ. Năm 2023, từ nguồn vốn khuyến công, Công ty đầu tư mới máy xẻ YITAI model ZDQJ-600, máy mài, phào tự động... Bà Tạc Thị Linh, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Sử dụng máy móc tiên tiến giúp chúng tôi nâng cao năng suất lao động gấp 2-3 lần so với làm thủ công, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm điện, giảm sức lao động.
Được đánh giá là hiệu quả nhưng trong quá trình triển khai, công tác khuyến công vẫn còn gặp một số khó khăn về nguồn vốn, cơ chế chính sách...
Cụ thể về nguồn vốn, trong vòng 5 năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) mới xây dựng và triển khai được 100 đề án hỗ trợ với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng/năm. Do nguồn vốn hạn chế nên một số nội dung khuyến công chưa được thực hiện đa dạng.
Đơn cử như trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, ông Phạm Văn Hiến, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, cho biết: Từ năm 2016, huyện được hỗ trợ trên 3 tỷ đồng triển khai các đề án khuyến công, song chủ yếu là xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật hoặc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản xuất.
Đoàn công tác của Sở Công Thương nghiệm thu đề án khuyến công tại cơ sở chế biến lâm sản của hộ bà Đinh Thị Lan, xóm Đèo Khê, xã Tân Kim (huyện Phú Bình). Ảnh: T.L |
Đối tượng hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công đa phần là các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, trong khi mức hỗ trợ thấp so với tổng vốn đầu tư của cơ sở, dẫn đến chưa thu hút được nhiều cơ sở tham gia. Ví dụ như với HTX chè Tuyết Hương (Đồng Hỷ), để được hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị phục vụ sản xuất chè, HTX phải đối ứng kinh phí gần 200 triệu đồng (tương ứng với 50%).
Về cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp luật về khuyến công hiện chưa có quy định thời gian sau khi hỗ trợ hệ thống máy móc thiết bị được theo dõi, quản lý trong bao lâu; mới chỉ quy định hỗ trợ cho đơn vị tổ chức hội chợ và hỗ trợ 80% chi phí gian hàng cho cơ sở công nghiệp nông thôn mà không có nội dung hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động khuyến công tham gia hội chợ.
Theo tìm hiểu thêm của chúng tôi, công tác khuyến công cũng còn một số khó khăn, hạn chế khác như: Cán bộ trực tiếp làm công tác khuyến công ở các huyện, thành phố đa phần là kiêm nhiệm nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng kế hoạch hàng năm...
Ông Nguyễn Thế Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung tuyên truyền về chính sách khuyến công đến cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn. Đối với những khó khăn, vướng mắc, Trung tâm sẽ báo cáo, tham mưu Sở Công Thương phối hợp với các cấp, ngành chức năng để lồng ghép các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với đề án thuộc chương trình khuyến công nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; đề nghị cấp có thẩm quyền khi sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về khuyến công cần quy định cụ thể về thời gian sử dụng máy móc thiết bị sau khi được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị thực hiện…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin