Khuyến công - "đòn bẩy" thúc đẩy công nghiệp nông thôn

Quốc Tuân – Vi Vân 07:22, 04/11/2022

Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại huyện Phú Bình, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã phối hợp với địa phương triển khai các đề án khuyến công, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời hỗ trợ xây dựng và quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Đoàn công tác của Sở Công Thương nghiệm thu đề án khuyến công tại cơ sở chế biến lâm sản của bà Đinh Thị Lan, xóm Đèo Khê, xã Tân Kim.
Đoàn công tác của Sở Công Thương nghiệm thu đề án khuyến công tại cơ sở chế biến lâm sản của bà Đinh Thị Lan, xóm Đèo Khê, xã Tân Kim.

Sau nhiều năm sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, cơ sở của anh Dương Thế Trường, ở tổ dân phố Úc Sơn, thị trấn Hương Sơn, dần mở rộng thị trường nên cần được đầu tư máy móc thiết bị mới. Tuy vậy, gia đình chưa tích góp đủ tiền, việc vay vốn ngân hàng lại khó khăn nên anh Trường cứ lấn bấn mãi chưa dám đầu tư.

Sau khi chia sẻ khó khăn này với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, năm 2022, anh Trường đã được hỗ trợ 185 triệu đồng theo đề án khuyến công của tỉnh để sắm thêm 2 máy đục vi tính (trị giá khoảng 470 triệu đồng).

Anh Trường chia sẻ: Nguồn kinh phí hỗ trợ từ đề án khuyến công thực sự là động lực rất lớn để tôi mua máy móc phục vụ sản xuất. Sau khi các máy móc mới đi vào hoạt động, cơ sở của tôi đã rút ngắn được thời gian sản xuất các mặt hàng, giảm nhân công lao động, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 

Tương tự, nguồn hỗ trợ khuyến công cũng là động lực để cơ sở chế biến lâm sản của bà Đinh Thị Lan, xóm Đèo Khê, xã Tân Kim, vươn lên. Bà Lan bộc bạch: Năm 2022, tôi được hỗ trợ 185 triệu đồng để mua 1 máy bóc gỗ và 1 máy tu gỗ, trị giá 470 triệu đồng. Máy móc đi vào hoạt động hiệu quả giúp cơ sở sản xuất lượng hàng hóa lớn hơn trước rất nhiều.

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, cơ sở sản xuất của anh Dương Thế Trường và bà Đinh Thị Lan là hai trong số 7 đơn vị trên địa bàn huyện Phú Bình được hỗ trợ từ đề án khuyến công trong giai đoạn 2021-2022, với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.

Còn theo đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Bình, giai đoạn 2014-2020, huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, các xã, thị trấn triển khai 23 đề án khuyến công hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất cho các cơ sở, với tổng số tiền trên 6,7 tỷ đồng.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, cho biết: Khi triển khai các đề án khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp chặt chẽ với phòng chức năng của huyện Phú Bình và các xã, thị trấn để khảo sát thực tế tại các cơ sở, phối hợp cùng những đơn vị liên quan kiểm tra, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Khi các cơ sở đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, hoàn thành việc lắp đặt, chạy thử, sản phẩm sản xuất ra đạt yêu cầu, Trung tâm phối hợp tổ chức nghiệm thu trực tiếp tại cơ sở.

Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, thời gian qua, các đề án khuyến công trên địa bàn huyện Phú Bình đều được triển khai hiệu quả, thành công, giúp các cơ sở công nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tăng thêm uy tín, phát triển thương hiệu trên thị trường. Đồng thời, gia tăng được các đơn hàng có giá trị cao, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, duy trì phát triển bền vững công nghiệp nông thôn.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Bình, thông tin: Huyện đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ để phấn đấu trở thành thị xã. Trong quá trình đó, nguồn hỗ trợ từ các đề án khuyến công đã góp phần tích cực để địa phương thực hiện mục tiêu này, nhất là tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.

Phú Bình hiện có trên 200 doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã; 9 làng nghề; gần 8.600 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, với tổng số trên 20.000 lao động tham gia vào các loại hình sản xuất. Mức thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. "Để đẩy mạnh phát triển hơn nữa công nghiệp nông thôn, huyện mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, nhất là từ những đề án khuyến công" - Ông Dương Thanh Tùng nhấn mạnh.